Ngày 24/7/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành hữu quan tổ chức buổi tọa đàm đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khu vực phía Nam để bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam.


Tham dự buổi toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và hơn 100 doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố nói trên.

Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò và ghi nhận sự đóng góp tích cực của khối FDI vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, góp phần giữ cân bằng cán cân thanh toán và tăng trưởng GDP cho nền kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Các doanh nghiệp FDI chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, góp phần cải thiện cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, hàng có hàm lượng công nghệ cao và tích cực tham gia khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, một bộ phận trong khối doanh nghiệp này chưa đáp ứng được các cam kết khi được cấp phép và dành các ưu đãi đầu tư, thể hiện ở việc chưa chú trọng chuyển giao công nghệ trong quá trình sản xuất, hầu như chỉ sử dụng chuỗi cung ứng giá trị với các công ty vệ tinh của chính các doanh nghiệp FDI mà không phải là các công ty của Việt Nam. Hàng hóa do doanh nghiệp FDI sản xuất chủ yếu được lắp ráp, hoàn thiện dựa trên đầu vào nhập khẩu và do vậy, tỷ lệ nội địa hoá cũng như hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam vẫn còn thấp. Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, là nước dẫn đầu khu vực và thế giới về xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp nhưng lại chưa có nhiều dự án trong lĩnh vực này tại các vùng sâu, vùng xa và do vậy, rất cần những nhà đầu tư chú trọng tới khoảng trống này trên bản đồ FDI tại Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp FDI, bên cạnh việc thừa nhận các yếu tố chưa đạt được như cam kết, cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực hải quan (hệ thống VNACCS-VCIS bị lỗi, thời gian thông quan chậm,..) của Việt Nam. Thay mặt Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan tham dự buổi toạ đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận phản ánh và các đề xuất của doanh nghiệp FDI, cam kết Bộ Công Thương sẽ chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, xử lý và trả lời doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, đồng thời phối hợp với các Bộ ngành hữu quan điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách thuận lợi hoá môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các doanh nghiệp FDI không chỉ tận dụng những ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho mà còn phải tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi cung ứng sản xuất thông qua việc chuyển giao công nghệ và mua nguyên vật liệu có xuất xứ Việt Nam.

Buổi tọa đàm này nằm trong chuỗi các hoạt động mà Bộ Công Thương tiến hành trong năm 2014 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng khai thác tốt hơn các FTA mà Việt Nam đã ký và đón đầu các FTA dự kiến có hiệu lực trong thời gian sắp tới.


Cục Xuất nhập khẩu