Với diện tích 157.000 ha, chiếm hơn 45% diện tích điều của cả nước và cũng chiếm trên 40% sản lượng điều thô của toàn quốc, Bình Phước được coi là “thủ phủ” của cây điều. Được đánh giá là một trong những cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm ở địa phương.

 

Nhưng, để sản phẩm hạt điều mang thương hiệu của tỉnh, khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và trên thế giới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến giá trị thực của sản phẩm này còn nhiều việc cần phải làm.

Tạo điều kiện để sản xuất, xuất khẩu hạt điều bền vững.

 

Thực tế cho thấy, điều kiện sản xuất hạt điều ở Bình Phước còn gặp nhiều bất cập, người nông dân vẫn chưa thể tự tin với sản phẩm làm ra do việc quy hoạch, phát triển sản xuất còn mang tính tự phát, mùa vụ, quy trình sản xuất chưa mang tính công nghiệp; chất lượng sản phẩm còn hạn chế… Việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt điều của tỉnh cũng đã được đề cập nhiều. Song, vẫn chưa tìm được lời giải khả quan… Trong bối cảnh hội nhập, cùng với việc nâng cao kiến thức cho nông dân, cần có sự hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ mang lại cho các nhà sản xuất hạt điều trên địa bàn tỉnh một hướng đi mới, giúp cho cây điều phát triển nhanh, cho sản lượng ổn định, để ngành công nghiệp chế biến hạt điều của tỉnh phát triển bền vững, lâu dài. Đặc biệt, với khâu canh tác thì cần phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học chuyên ngành triển khai các hoạt động hỗ trợ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất hạt điều, hỗ trợ các sáng kiến sản xuất bền vững ... nhằm củng cố các bộ phận trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu hạt điều của tỉnh, đóng góp vào phát triển bền vững của ngành điều và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, nhất là những năm giá điều xuống thấp, người trồng điều đương đầu với không ít trở ngại phát sinh như: diện tích trồng điều có tốc độ giảm quá nhanh; cơ sở chế biến điều tăng nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc chế biến, vận chuyển và bảo quản. Vì vậy, người trồng điều hy vọng, với những sự hỗ trợ các tổ chức, nhà khoa học áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất có thể cải thiện và đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, nhà chế biến và các nhà kinh doanh điều trên địa bàn tỉnh.

 

Hạt điều Bình Phước xuất khẩu, chất lượng và thương hiệu

 

Là địa phương có thổ nhưỡng thích hợp, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây điều, diện tích trồng điều lớn nhất cả nước và hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực của tỉnh, thị trường xuất khẩu tập trung ở các nước Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Canada, Anh, HongKong…, với kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân khoảng 130 triệu USD/năm (chiếm khoảng 20% KNXK của tỉnh); Sản lượng bình quân các năm đều tăng, nhưng giá trị sản phẩm này mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó sản lượng hạt điều xuất khẩu của tỉnh chỉ có 1,8-2,2% lượng sản xuất ra được tiêu thụ trong nước, chỉ có khoảng 0,01% lượng hạt điều chế biến được tiêu thụ tại chỗ. Nguyên nhân chính là người sản xuất và nhà xuất khẩu hạt điều chưa liên kết cùng nhau trong sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt điều của mình.

 

Ngoài yếu tố thương hiệu, chất lượng sản phẩm điều cũng cần được giải quyết. đặc biệt giải được bài toán trong các khâu của chuỗi liên quan đến giá trị điều như: sản xuất, chế biến, chất lượng, thị trường và thương hiệu…Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 197 doanh nghiệp chế biến hạt điều, trong đó khoảng 36 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đa số được gia công chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, thiếu lao động để sơ chế như tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa,…dẫn đến chất lượng hạt điều không đồng đều. Việc ứng dụng thiết bị vào sản xuất tập trung chủ yếu các cơ sở có vốn kinh doanh lớn, số lượng thiết bị được trang bị ở những cơ sở đa phần là sản xuất trong nước, rất ít cơ sở nhập khẩu máy móc bởi giá thành cao. So với tiêu chuẩn chất lượng hạt điều xuất khẩu, sự yếu về năng lực sơ chế, tinh chế, công nghệ sấy chất lượng cao, đặt ra bài toán, mà tỉnh cần tìm cho được lời giải một cách thấu đáo. Ngoài ra, để giá hạt điều được ổn định lâu dài, cần thành lập quỹ bảo hiểm cho hạt điều xuất khẩu và chương trình tạm trữ hạt điều phải được xây dựng, triển khai qua một chính sách nhất quán, khả thi. Đồng thời, dựa trên thế mạnh là vùng đất có nhiều ưu thế, để phát triển ngành điều, là nơi sản xuất hạt điều quan trọng của cả nước, giá trị sản phẩm đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước đón nhận và hạt điều được tỉnh xác định là một trong những mặt hàng mang tính chủ lực cho sự phát triển của địa phương, nên bài toán năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho hạt điều là cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Để người dân trồng điều không phải lay chuyển theo sự biến động của thị trường hiện nay, để ngành điều của tỉnh có cơ hội phát triển bền vững và để có được sản lượng hạt điều nhân đạt bình quân theo định hướng phát triển của tỉnh, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 50 nghìn tấn/năm vào năm 2015. Thì, mối liên kết giữa “ba nhà”: nông dân, doanh nghiệp, nhà nước cần chặt chẽ hơn nữa. Việc định hướng phát triển ngành điều và xây dựng thương hiệu điều trong thời gian tới là việc rất cần thiết và được sự quan tâm ủng hộ của các nhà quản lý và tích cực tham gia của các nhà doanh nghiệp nhất là trong thời kỳ Việt Nam gia nhập sâu vào WTO. Được vậy, thế giới sẽ biết đến hạt điều “Bình Phước”- hạt điều “Việt Nam” như mong muốn của đa số người dân trồng điều trong tỉnh hằng mong muốn.

 

Trần Thị Kim Huyên