Tính đến năm 2009, tỉnh Đồng Nai có hơn 10.874 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tăng 1.214 cơ sở so với năm 2005, giải quyết việc làm cho 92.680 lao động thường xuyên và khoảng 44.980 lao động không thường xuyên. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn năm 2009 đạt khoảng 9.563 tỷ đồng, chiếm 11,23% trong tổng giá trị công nghiệp của tỉnh, tăng 2,3 lần so với năm 2005. Thu nhập bình quân từ 600.000 đồng đến 2.300.000 đồng/người/tháng. Tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tình Đồng Nai giai đoạn 2005-2009 là 5.557,8 triệu đồng


Công tác đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu doanh nghiệp


5 năm qua, Đồng Nai đã tổ chức đào tạo nghề cho 3.007 lao động thuộc các nghề mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, cơ khí, may mặc, dệt thổ cẩm. Công tác đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu doanh nghiệp nên sau khi học nghề, các học viên đều được các cơ sở sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời một số ngành nghề thủ công đã phát triển đáng kể lực lượng lao động phụ trên địa bàn. Tổ chức tập huấn cho 186 lượt cán bộ khuyến công của các huyện. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tham gia nhiều hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như Tổ chức hội chợ công nghiệp phụ trợ - liên kết doanh nghiệp năm 2007 và hội chợ triển lãm “Làng nghề - Công nghiệp nông thôn và Thương mại Đồng Nai năm 2009”. Hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ “Làng nghề truyền thống ASEAN 2005” tại Tp.HCM; Hội chợ “Sản vật làng nghề truyền thống & quà tặng VN 2006” tại Hà Nội; Hội chợ “Công nghiệp quốc tế năm 2007”, hội chợ “EXPO 2007” tại An Giang; Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn năm 2007 tại Tiền Giang... Giới thiệu, quảng bá thông tin, hình ảnh cho 426 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và nhiều sản phẩm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác của Đồng Nai. Tư vấn, hỗ trợ đến các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại. Tổ chức các buổi hội thảo về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường. Hướng dẫn, tư vấn xây dựng chương trình phát triển làng nghề, xây dựng kế hoạch triển khai đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tư vấn thành lập mới các cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ, tư vấn lập thủ tục đầu tư cụm cơ sở làng nghề mây tre đan huyện Định Quán, Cụm cơ sở làng nghề gỗ mỹ nghệ huyện Trảng Bom, điểm sản xuất tập trung dệt thổ cẩm xã Tà Lài huyện Tân Phú và cụm cơ sở làng nghề đúc gang huyện Vĩnh Cửu.


Mở các lớp về khởi sự doanh nghiệp, tập huấn tăng cường khả năng kinh doanh và các chuyên đề khác liên quan đến quản lý doanh nghiệp. Tổ chức cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ hàng năm. Tổ chức các lớp chuyên đề thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thiết kế để tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu.


Tổ chức xét tặng các danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đem nghề mới về địa phương. Khảo sát nắm tình hình hoạt động và ảnh hưởng của suy giảm kinh tề toàn cầu đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, tìm biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Giới thiệu một số công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch; dây chuyền giết mổ công nghiệp; công nghệ chế biến ruợu vang điều, cồn điều; công nghệ chế biến các sản phẩm từ xoài; công nghệ sấy nấm mèo; kỹ thuật xử lý chất lượng rượu.... với trên 914 lượt người tham dự. Liên kết triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới... Xây dựng website Trung tâm Khuyến công Đồng Nai, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền hoạt động khuyến công của địa phương, hướng dẫn kiến thức quản lý doanh nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường. Tổ chức 3 đoàn đi khảo sát, tìm hiểu thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất... Nguồn kinh phí khuyến công địa phương cũng được sử dụng rất hiệu quả như xây dựng và triển khai 2 điểm cơ khí sửa chữa tại huyện Tân Phú và Định Quán. Đặc biệt, việc triển khai công tác khuyến công tại các khu tái định cư của huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch như khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề, tuyên truyền phổ biến công tác khuyến công, hướng dẫn một số nội dung trong chương trình khởi sự doanh nghiệp đến với người dân tái định cư. Các đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cũng được chú trọng như: Đề án dệt Thổ cẩm (huyện Tân Phú); Đề án gỗ mỹ nghệ (huyện Trảng Bom); Đề án mây tre đan (huyện Định Quán); Đề án đúc gang (huyện Vĩnh Cửu); Đề án nấm (thị xã Long Khánh). Ngoài ra, Trung tâm đang phối hợp khảo sát nguồn nguyên liệu tre trúc để xây dựng đề án Phát triển sản phẩm TCMN tre trúc trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu và đề án nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Xuân Lộc giai đọan 2010 – 2015.


Chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống


Ông Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc Trung tâm khuyến công Đồng Nai cho biết, năm 2010, công tác khuyến công Đồng Nai sẽ tập trung vào các hoạt động tư vấn, thông tin thị trường, thông tin khoa học- công nghệ và thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Đào tạo kiến thức quản lý doanh nghiệp cho các đối tượng và ngành nghề. Tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhất là đối với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi tại nông thôn và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày da, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, ... đầu tư vào các địa phương còn chậm phát triển công nghiệp, vùng miền núi. Triển khai các đề án theo quy hoạch ngành nghề nông thôn. Kết hợp các địa phương trong việc kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp vào các cụm công nghiệp ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động khuyến công ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trên trang Website và bản tin của Trung tâm Khuyến công. Nâng cao và mở rộng các hoạt động tư vấn. Triển khai ứng dụng các mô hình chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Triển khai thực hiện nhanh các đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là công tác trọng điểm trong năm 2010. Cụ thể là các đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ ở huyện Xuân Lộc, phát triển nghề tre trúc ở huyện Vĩnh Cửu. Tham quan học hỏi kinh nghiệm trong công tác khuyến công. Tổ chức các hội thi sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ. Bình chọn, tôn vinh các danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ khuyến công đến tận cấp xã. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các đề án thuộc chương trình hỗ trợ sản phẩm chủ lực của Tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn khuyến công.


Ngọc Thanh