Tuy còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, công nghiệp nông thôn của Đồng Nai giai đoạn 2008 – 2012 vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, 19,3%/năm. Doanh thu năm 2012, ước đạt 24.101 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu khu vực CNNT tăng trưởng bình quân 27,8%/năm.


Hoạt động khuyến công của Đồng Nai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia theo QĐ số 136/2007/QĐ-TTg giai đoạn vừa qua đã được triển khai đồng bộ có sự tham gia hiệu quả của đơn vị thụ hưởng, người dân và chính quyền địa phương. Qua đó đã tạo được chuyển biến đáng kể trong việc thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư sản xuất công nghiệp ở địa bàn nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 30.000 lao động có kỹ năng và trình độ chuyên môn, thu hút lao động nhàn rỗi, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở nông thôn.

 

Từ những kết quả đạt được của chương trình, nhận thức của chính quyền các cấp và cơ sở CNNT, người dân về các chính sách khuyến khích phát triển CNNT ngày càng được nâng cao. Nhờ các hoạt động khuyến công, nhiều ngành nghề TTCN ở Đồng Nai đã dần được khôi phục và phát triển như: nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, đúc đồng, đúc gang… tạo được nhiều việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn.

 

Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công ở các huyện, xã chưa đủ mạnh nên việc thực hiện cũng còn lúng túng. Bên cạnh đó, thực tế hầu hết các cơ sở CNNT chưa tự chủ động xây dựng các đề án khuyến công theo đúng quy định trình tự, thủ tục nên việc hướng dẫn, triển khai của các cán bộ khuyến công cũng gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, việc thường xuyên thay đổi cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện cũng ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn. Mặt khác, mức hỗ trợ khuyến công mới chỉ mang tính chất động viên, khuyến khích, chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp… Các vấn đề này cũng đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả hoạt động khuyến công của Đồng Nai.

 

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển CNNT có mức tăng trưởng bình quân không thấp hơn tăng trưởng bình quân chung của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh, Đồng Nai đưa ra định hướng, cụ thể: Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sử dụng nhiều lao động, đầu tư vào các địa bàn công nghiệp chậm phát triển trên địa bàn Tỉnh. Khuyến khích các đề án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp ở các địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống nhất, Xuân lộc, Cẩm Mỹ. Tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển CNNT, chú trọng phát triển kỹ năng lao động bao gồm kỹ năng tay nghề, kỹ năng quản lý tổ chức sản xuất bằng nhiều hình thức và phương thức thực hiện. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn tại các khu tái định cư ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa.

 

Khuyến khích cơ sở CNNT tự đổi mới công nghệ thiết bị thông qua việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ, thiết bị mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác SXKD giữa các cơ sở CNNT trong phạm vi của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm, điểm CN làng nghề, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, ưu tiên các dự án thuộc nhóm ngành có lợi thế về sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhất là nguyên liệu từ nông, lâm nghiệp địa phương; các ngành nghề có giá trị SXCN chiếm tỷ trọng cao của khu vực CNNT như: gốm mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, ngành chế biến gỗ…

 

Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự hợp tác, tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoạt động khuyến công của Đồng Nai sẽ thực sự phát huy hiệu quả, thúc đẩy CNNT của tỉnh ngày một tăng cao, mang lại cho tỉnh Đồng Nai sự phát triển bền vững.

 

 

Trung tâm KC tỉnh Đồng Nai