Theo dự kiến, khoảng 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại thị trường châu Âu, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (hay còn gọi là EVFTA) được ký kết chính thức vào cuối năm nay. Trong số các sản phẩm này, có nhiều đặc sản vùng miền nổi tiếng như cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, chè Mộc Châu và cả sản phẩm chế biến như chả mực Hạ Long.


Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn do sản lượng chưa ổn định và thị trường châu Âu chưa biết nhiều đến các sản phẩm của Việt Nam.


Mặc dù chả mực Hạ Long đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ cách đây gần 2 năm, tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 16 cơ sở trong 23 cơ sở sản xuất đăng ký với Hiệp hội chả mực Hạ Long là đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong sản xuất món đặc sản này. Đây là một phần rào cản khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu:
“Thị trường Châu Âu rất là rộng lớn, và để sản phẩm đến được với thị trường Châu Âu là cả một vấn đề. Khi chúng tôi được cấp CDĐL, chúng tôi phải phấn đấu để sản phẩm có chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng đủ với tiêu chuẩn của thị trường Châu Âu, nhà xưởng, cũng như thiết bị phải đáp ứng đúng với thị trường Châu Âu.” Ông Đặng Mạnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội chả mực Hạ Long, Quảng Ninh cho biết.


Là một sản phẩm đặc thù của địa phương, từ cách chọn nguyên liệu phải là mực nang, đánh bắt tại Vịnh Bắc Bộ, cho đến cách giã phải cho vào cối đá, giã bằng tay… tất cả quy trình này nếu không tuân thủ, sẽ khó giữ được thương hiệu và quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý.


Nhưng, cũng chính vì những yêu cầu khắt khe về nguyên liệu đầu vào, nên sản lượng của các sản phẩm này còn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.


Hiện nay thì các sản phẩm chả mực Hạ Long cũng chưa đủ nguồn để cung cấp cho nhu cầu trong nước và thực tế này phát sinh từ nguồn đầu vào, mà nguồn này phải đáp ứng được yêu cầu theo CDĐL, do đó hiệp hội chả mực cần phải tổ chức liên kết với các nhà cung cấp đầu vào để đảm bảo được số lượng, chất lượng nguyên liệu đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường kể cả trong và ngoài nước.


Để có thể mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sự liên kết của các DN chả mực dường như chưa đủ. Việc hỗ trợ để xây dựng một cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất lớn hơn từ phía địa phương cũng rất cấp bách. Ông Đặng Mạnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội chả mực Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ có quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi sẽ cố gắng được tỉnh hỗ trợ về cơ sở vật chất hạ tầng đạt tiêu chuẩn để tất cả các hộ kinh doanh, 23 cơ sở trên địa bàn Thành phố Hạ Long sẽ đủ tiêu chuẩn để vào được thị trường châu Âu, và sang năm có khả năng chúng tôi sẽ được phép vào thị trường châu Âu.


Còn theo Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thì: Khi được cấp giấy chứng nhận CDĐL, bản thân các sản phẩm này đều phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, và các yêu cầu tối thiểu. Do đó để tham gia vào thị trường EU thì các tổ chức và cá nhân đang sản xuất sản phẩm này đều phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo giấy chứng nhận đã được cấp. Thứ 2 là với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Thành phố cùng các sở ban ngành và cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để đảm bảo chất lượng khi tham gia vào thị trường EU.”


Câu chuyện của các đơn vị kinh doanh chả mực Hạ Long, chỉ là 1 trong số những ví dụ điển hình của bối cảnh sản xuất nhiều sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL. Đó là quy mô sản xuất thường nhỏ lẻ, trong khi chính quyền địa phương lại chưa thực sự quan tâm tới xuất khẩu các thương hiệu của chính địa phương mình.


Hầu hết các CDĐL mà EU sẽ bảo hộ cho Việt Nam là các sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Trong khi đó, châu Âu chủ yếu sản xuất các sản phẩm ôn đới nên tiềm lực xuất khẩu là có thể thấy rõ. Thêm nữa, việc được công nhận bảo hộ CDĐL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những mặt hàng xuất khẩu này.


“Lợi ích xuất khẩu rất đơn giản thôi… có 1 lợi ích rất lớn là sự thông quan dễ dàng. Hải quan ở các nước châu Âu thì thường với sản phẩm mang CDĐL… bản thân họ muốn sử dụng nên khả năng thông quan lớn, thị trường đón nhận vì mọi người muốn sử dụng, còn thị trường đáp ứng hơn hay không thì chưa biết….” Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng CDĐL, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.


Trên thực tế, đã có sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng châu Á. Nhưng, nông sản là những mặt hàng mà người tiêu dùng châu Âu dễ quan tâm. Do vậy, sự đón nhận sẽ khác với sản phẩm nước mắm. Điều quan trọng là các DN Việt Nam cần sớm xúc tiến xâm nhập vào thị trường châu Âu và tìm được những kênh phân phối ổn định. Điểm khó khăn lớn nhất là tìm người tiêu dùng cũng như nhà phân phối. Với thị trường lớn như EU thì có nhiều kênh phân phối như các siêu thị, hoặc cửa hàng đồ chất lượng cao, nên sản phẩm phải biết định vị mình ở mạng lưới nào. Do vậy, sẽ mất một khoảng thời gian để sản phẩm tìm được khách hàng và thị trường của mình.


Chả mực Hạ Long, chè Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận... đều thuộc danh sách 39 sản phẩm được EU bảo hộ CDĐL khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Nếu biết cách tổ chức chuỗi sản xuất bền vững với chất lượng ổn định và đồng đều, đây sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU./.


  HL (ARID)