Hiện tại, thị trường bán lẻ trong nước có tiềm năng phát triển rất lớn và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của những nhà sản xuất hàng Việt.

 

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp mải chú trọng xuất khẩu đã bỏ qua thị trường bán lẻ trong nước, tới khi thị trường xuất khẩu gặp trắc trở thì trở nên lúng túng. Vì vậy, phát triển lâu dài kênh bán lẻ trên thị trường trong nước đang là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm.

 

Theo số liệu tại Hội thảo ‘’Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Cần một chiến lược lâu dài’‘ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng sản xuất trong nước đã chiếm tới 70-80%. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Coopmar, để thâm nhập tốt kênh phân phối hiện đại và thị trường nói chung, các nhà sản xuất hàng Việt nên chú trọng vào chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp lâu dài. Cùng với đó là giá thành sản phẩm, vì với chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn sẽ tạo ra thế mạnh của hàng Việt có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đặc biệt, nhà sản xuất nào bạo dạn đầu tư công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, có mẫu mã kiểu dáng hấp dẫn đón đầu xu hướng tiêu dùng sẽ có được lợi thế ‘’tiên phong’‘ và dễ dàng thâm nhập nhanh thị trường. Việc xây dựng và lựa chọn kênh phân phối phù hợp, gắn bó, có độ bao phủ cao sẽ góp phần lớn vào sự thành công của một thương hiệu Việt.

 

Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ hiện đại là ít vốn, khó khăn về mặt bằng, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư ... Ngoài ra, chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước chưa phong phú, khối lượng hàng hóa còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì chưa đẹp. Kinh nghiệm về trình độ quản lý cũng còn yếu, thiết bị chưa đạt yêu cầu và trình độ nhân viên bán hàng thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để gian lận thương mại, tiêu thụ hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt mạng lưới bán lẻ, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương có các chính sách thiết thực để hỗ trợ phát triển mạng lưới thuận lợi, các doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm hình thức mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình sản xuất, giá cả hợp lý.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ đào tạo, tư vấn pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thương mại; các biện pháp ưu tiên về mặt bằng, hạ tầng; ưu đãi thuế, phí, tiếp cận tín dụng thuận lợi ... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phân phối trong nước tiếp thu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tạo điều kiện tăng cường các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, bảo đảm nguồn cung sản phẩm có chất lượng và độ an toàn ổn định, bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Khánh Chi