
Về xã Yên Hưng, huyện Ý Yên trong thời điểm nông dân ra đồng gặt rộ lúa mùa, chúng tôi được nghe những câu chuyện vui về cách thức làm ăn mới ở đây. Chị Lã Thị Tuyết, cán bộ phụ nữ xã dẫn đi xem xưởng khảm vỏ trứng trên hàng tre, nứa ghép xuất khẩu mới được dựng lên trong khu vườn trước nhà. Thoáng thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, chị giải thích luôn: "Ðây là những vỏ trứng ngan, vịt được mua về từ làng Bối Khê, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, sau khi ngâm rửa và sấy khô sẽ trở thành nguyên liệu chính để khảm trên những sản phẩm tre, nứa ghép xuất khẩu từ xã Yên Tiến chuyển đến. Gia đình em làm chưa lâu nhưng mỗi tháng đã có thu nhập khoảng hai triệu đồng". Vậy là, một nghề mới đang hình thành, tạo cơ hội cho nông dân trong xã có thêm việc làm, cải thiện cuộc sống những lúc nông nhàn. Yên Hưng là một trong số những xã được Trung tâm khuyến công Nam Ðịnh thông qua Quỹ khuyến công Quốc gia, Quỹ khuyến công của tỉnh triển khai hỗ trợ kinh phí đào tạo, truyền nghề mới cho lao động nông thôn. Những tưởng cứ có kinh phí là đã lập được dự án phát triển nghề tại các vùng quê, nhưng thực tế không hẳn như vậy, một cán bộ Trung tâm khuyến công tâm sự: Tất cả các chương trình khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đều có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để bảo đảm tính ổn định, hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Tại một xã "trắng nghề" như Yên Hưng, Trung tâm khuyến công Nam Ðịnh phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển ở xã Yên Tiến tổ chức đào tạo nghề cho 120 lao động. Sau hai tháng, những lao động này được vào làm việc cho doanh nghiệp theo cơ chế khoán sản phẩm, đầu ra đã được doanh nghiệp lo.
Sở dĩ hoạt động khuyến công ở Nam Ðịnh sớm định hình trong bước đi, cách làm là do công tác này đã được thực hiện từ năm 2002, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2004/NÐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xác định hoạt động khuyến công là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn. Một số giải pháp chủ yếu là hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, nhập khẩu thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất. Nhờ có các dự án hỗ trợ phát triển nghề thông qua quỹ khuyến công (khoảng bốn tỷ đồng/năm) đã giúp Nam Ðịnh trong năm năm qua có thêm 42 làng nghề mới. Qua đây thấy rõ triển vọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, quan trọng hơn còn góp phần làm chuyển biến nhận thức cán bộ địa phương đối với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Toàn Thắng, đưa ra dẫn chứng: Chỉ trong hai năm 2007-2008, trung tâm đã mở 25 lớp đào tạo cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, ma-két-tinh và cả văn hóa giao tiếp. Mỗi năm có hàng nghìn lao động nông thôn được trung tâm đào tạo nghề theo nhiều dạng, như dạy nghề mới, đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao tay nghề, sau đó quay trở lại làm việc tại các làng nghề, các doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, ở hầu hết các làng nghề được quỹ khuyến công hỗ trợ phát triển đã hình thành cách làm mới đem lại hiệu quả cao, đó là làm hàng xuất khẩu. Một trong những mặt hàng đang có thị phần xuất khẩu lớn sang Mỹ, châu Âu là sản phẩm gia dụng làm bằng tre, nứa ghép. Ước tính, có tới vài chục doanh nghiệp ở các xã Yên Tiến, Yên Hồng (huyện Ý Yên), Liên Minh (huyện Vụ Bản) chuyên làm hàng tre, nứa ghép xuất khẩu thu hút từ bốn nghìn đến năm nghìn lao động, với thu nhập bình quân từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng/ người/tháng. Một nghề mới là đan bèo bồng, bẹ chuối xuất khẩu được Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí nhân rộng ở ba huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu đang trở thành vấn đề "thời sự" trong phát triển kinh tế nông thôn. Hiện có khoảng bảy nghìn lao động tham gia sản xuất, nếu làm tại nhà người lao động có thu nhập từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, nếu làm theo dây chuyền công nghiệp tại xưởng thì mức lương tới 1,5 triệu đồng/ người/tháng. Thông qua hoạt động khuyến công, nhiều làng nghề truyền thống như dệt Nam Hồng (huyện Nam Trực), nước mắm Sa Châu (huyện Giao Thủy), gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên) được khôi phục. Xã Yên Tiến (huyện Ý Yên), xã Nam Giang (huyện Nam Trực), xã Trực Ðịnh (huyện Trực Ninh) đã trở thành xã nghề, tất cả các làng trong xã đều trở thành làng nghề. Với sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như hiện nay, Phó Giám đốc Sở Công thương Nam Ðịnh Trần Quốc Hùng cho rằng: Mặc dù xuất khẩu năm nay gặp khó khăn song kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ không giảm, chỉ tiêu đề ra cả năm là 200 triệu USD nhưng Nam Ðịnh phấn đấu đạt 225 triệu USD.
Ðể đạt được những kết quả trong công tác khuyến công, những năm qua tỉnh đã chú trọng đầu tư chiều sâu, phân vùng phát triển nghề phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương; xây dựng mô hình điểm, tìm kiếm thị trường. Ngoài ra còn một loạt yếu tố bồi dưỡng, đào tạo khác như nguồn nhân lực, xây dựng các doanh nghiệp hạt nhân và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương đã thật sự quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Hiện nay, Trung tâm khuyến công Nam Ðịnh đang phấn đấu xây dựng bộ tiêu chuẩn về quản lý tài chính, nhân sự, lao động và cả văn hóa giao tiếp để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh phát triển bền vững, trở thành những doanh nghiệp điển hình.
CTV.Mai Tú