Tuy đạt sản lượng cao nhưng hầu hết lượng gỗ rừng trồng khai thác được của tỉnh Quảng Ninh không được chế biến thành hàng hóa có giá trị cao mà chủ yếu là băm dăm, dùng chống lò và làm củi rất lãng phí.... Đề án hỗ trợ dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh cho các doanh nghiệp (DN) do Trung tâm Khuyến công tỉnh Quảng Ninh triển khai đã khắc phục được sự lãng phí này.

 


Số liệu từ Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 136.954 ha diện tích rừng trồng, phân bố đều khắp các huyện trên địa bàn. Diện tích rừng trồng của Quảng Ninh tăng hàng năm, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã trồng mới được 9.000ha rừng, chủ yếu là rừng cây keo tượng. Sản lượng khai thác gỗ bình quân đạt khoảng 2 triệu m3/năm.

 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm), dù sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh cao nhưng hầu hết gỗ được sử dụng “thô” rất lãng phí. Phần thân cây dùng làm gỗ chèn lò và băm dăm mảnh, phần thừa còn lại thường làm củi hoặc bỏ đi. Trong khi đó, “phần bỏ đi” này lại có đường kính từ 16-17cm, đủ tiêu chuẩn để làm ra những tấm ván ghép thanh dài từ 70-100cm.Mặt khác, nhu cầu ván ghép thanh trên thị trường, nhất là ván ghép dùng sản xuất đồ nội thất hiện đang rất lớn, bởi có nhiều tính năng ưu việt như không bị mối mọt, không co ngót cong vênh, mẫu mã đa dạng phong phú, bề mặt được xử lý nên có độ bền màu tốt, có khả năng chịu va đập và chống xước cao. Thế nhưng, nổi trội hơn cả là ván ghép thanh được sản xuất chủ yếu từ gỗ khai thác rừng trồng, gỗ tận dụng, giá cả hợp lý, là sự thay thế tốt cho gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm.

 

Nhận thấy rõ sự lãng phí và nắm bắt nhu cầu thị trường, nên trong quá trình thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2013, Trung tâm đã tích cực hỗ trợ các DN chế biến gỗ trên địa bàn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH xây dựng Đông Triều xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh từ gỗ keo phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu với công suất 1.650m3/năm. Mô hình có tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng. Từ sự giúp sức này, Công ty TNHH Xây dựng Đông Triều đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, xây dựng kho chứa gỗ. Công ty cũng đầu tư dây chuyền sản xuất tự động và máy móc hiện đại như: Máy bào bốn mặt, máy chà nhám 1,2m, máy ghép dọc dài 1,5m, máy ghép ngang và máy cưa rong....

 

Theo hạch toán của DN, sau khi mô hình hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ tiêu thụ khoảng 6.000m3 gỗ rừng trồng/năm, giúp DN đạt mức doanh thu hơn 15,675 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình cũng sẽ tạo việc làm mới cho 13 lao động, nâng số lao động đang làm việc tại DN lên 40 người và đạt mức thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong năm 2013, Trung tâm cũng hỗ trợ Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu. Mô hình có công suất 1.500m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh cho biết, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, DN đã lắp đặt hệ thống sản xuất mới theo công nghệ của Nhật Bản bao gồm: Hệ thống nồi hơi, hệ thống lò sấy, dây chuyền sản xuất ván ghép, máy phay mộng Finger.... Hiện mô hình đã hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm.

 

Dự kiến, sau khi đạt 100% công suất, dây chuyền sẽ giúp DN đủ năng lực sản xuất 2.000m3 sản phẩm gỗ ghép thanh xuất khẩu và đạt doanh thu 21,750 tỷ đồng mỗi năm. Dây chuyền cũng tạo việc làm cho 57 lao động nông thôn địa phương với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.Nhận định về mục tiêu của 2 đề án, ông Hoàng Đức Khá cho rằng: Từ việc hỗ trợ cho Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh và Công ty TNHH xây dựng Đông Triều ứng dụng máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu, hoạt động khuyến công tỉnh mong muốn thành công của hai đề án sẽ thu hút sự quan tâm của các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp tục nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

 

Bảo Ngọc