Đồng thời, giúp kết nối những nhà sản xuất với mạng lưới phân phối hiện tại của địa phương, hỗ trợ thông tin nền tảng giúp doanh nghiệp lập kế hoạch bán hàng về nông thôn. Việc vẽ bản đồ phân phối do đơn vị chuyên khảo sát tâm lý người tiêu dùng, phân loại thị trường hàng Việt và hàng ngoại, lấy ý kiến các tiểu thương… thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, mỗi vùng nông thôn có đặc điểm và tập quán tiêu dùng khác nhau mà không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện nghiên cứu về nhu cầu tiêu dùng nên việc xâm nhập thị trường nông thôn là rất khó. Sự hoàn chỉnh, tính chính xác về các số liệu trong bản đồ phân phối đã góp phần cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Là một trong những doanh nghiệp nhận kết quả của bản đồ phân phối, ông Trần Hữu Đức - Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood cho biết, nguyên nhân hàng hóa không về được nông thôn là do công tác phân phối và các dịch vụ còn thiếu hoặc làm chưa tốt. Công ty Nutifood sẽ khắc phục ngay công tác phục vụ người tiêu dùng và tái cấu trúc lại hệ thống phân phối trong thời gian tới. Còn theo ông Tăng Quan Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc Công ty Hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo, công ty ít có những chương trình quảng cáo, truyền thông nên trước giờ người tiêu dùng chỉ biết đến nước rửa chén Mỹ Hảo. Qua các phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn", Mỹ Hảo có cơ hội giới thiệu thêm về các mặt hàng khác như: nước xả vải, sữa tắm, dầu gội... Từ đó, nhiều hệ thống phân phối cấp 2 của công ty đã được thiết lập ở vùng sâu vùng xa cùng với sự tăng trưởng doanh số ở các khu vực này.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm BSA cho biết: Việc thực hiện vẽ bản đồ phân phối là sự nỗ lực và cố gắng của tất cả các đơn vị tham gia chương trình “Hàng Việt về nông thôn” giai đoạn 2, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cả về chính sách và chia sẻ về kinh phí thực hiện. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục vẽ thêm nhiều bản đồ phân phối ở nhiều tỉnh nữa dựa trên yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của địa phương./.
Mỹ Phương