Sau 5 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP và 02 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn, đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất cho ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Chuyển đổi nghề cho lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp là 3000 người, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn từ các hoạt động khuyến công. Trung tâm khuyến công và Tư vấn PTCN là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn giúp các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực như: đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề truyền thống; đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm…; làm dịch vụ lập dự án đầu tư, lập dự án vay vốn.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình khuyến công giai đoạn 2007 – 2012 và hàng năm UBND tỉnh phê duyệt chương trình khuyến công với các đề án hỗ trợ cụ thể cho các tổ chức, các cá nhân đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất và đối tượng chính là các cơ sở, các hộ sản xuất nhỏ tập trung ở các xã, thị trấn thuộc địa bàn vùng nông thôn.
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều đề án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn như: hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tiêu áp dụng mô hình xử lý nước thải để giảm ô nhiễm môi trường và đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp khác chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất; hỗ trợ mô hình thu khí biogas từ chất thải chăn nuôi chạy máy phát điện giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Qua công tác trình diễn, giới thiệu, nhân rộng đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký xin hỗ trợ thực hiện… TTKC&TVPTCN đã đưa ra các giải pháp, tư vấn cho các doanh nghiệp nhằm giúp DN phát triển một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhìn chung, các mục tiêu của hoạt động khuyến công được đề ra trong điều 1, chương I của Nghị định 134/2004/NĐ-CP đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, cụ thể trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư các ngành công nghiệp vào các cụm công nghiệp tại các huyện cách xa khu trung tâm, nhưng gần vùng nguyên liệu, có nguồn lao động nông thôn dồi dào. Chính vì những điều kiện nêu trên cho thấy hoạt động khuyến công cần có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhất là tổ chức Hội nông dân các cấp. Vì thông qua Hội nông dân sẽ tiếp cận các hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu tư vấn việc áp dụng các công nghệ thiết bị phục vụ việc bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nhằm tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao hơn khi bán sản phẩm nông nghiệp thô không được chế biến. Đây chính là trọng tâm của hoạt động khuyến công mà BR-VT đang xây dựng lộ trình tuyên truyền, tư vấn và đồng hành với các đơn vị mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất với phương châm “thành công và hiệu quả”.
Các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương cụ thể như:
- Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.
- Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật.
- Chương trình hợp tác và phát triển các cụm, điểm công nghiệp.
- Chương trình nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT.
- Các chương trình khác như: Xử lý chất thải trong chăn nuôi tạo nguồn năng lượng gas dùng chạy máy phát điện; Xây dựng mô hình xử lý nước thải trong quá trình sản xuất bún, bánh tráng…
Các chương trình trên đã đem lại lợi ích không nhỏ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn và phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng. Theo đánh giá của đối tượng thụ hưởng và các đơn vị có liên quan có chung nhận xét hoạt động khuyến công có ý nghĩa thiết thực, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới CNH- HĐH và phát triển bền vững.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình Hội nhập kinh tế quốc tế; với những mô hình được triển khai xây dựng đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tiết kiệm được nguồn năng lượng và cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Trần Kim Thu – Giám đốc TTKC & TVPTCN tỉnh BR-VT