Với tài nguyên nhiên nhiên phong phú, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và cung cấp nguồn nguyên liệu nông nghiệp, thủy - hải sản… dồi dào cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy - hải sản… khu vực phía Nam là vùng kinh tế năng động và đa dạng nhất nước, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

 

 Trước xu hướng và những lợi thế đó, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, ngành Công Thương khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 đã đạt được những kết quả đáng kể. Chỉ số phát triển công nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tốc độ tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, hoạt động khuyến công của vùng tuy còn khó khăn, nhưng đã đóng góp tích cực vào kết quả chung của ngành Công Thương.


Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị Khuyến công phía Nam, được tổ chức tại TP. Vũng Tàu ngày 25/9/2015, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2015 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 62.489,27 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ 19.022 triệu đồng, tăng 26,54% so với kế hoạch năm 2014; kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 43.467,27 triệu đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tổ chức đào tạo nghề cho 627 lao động; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 531 người; tổ chức hội thảo chuyên đề cho 434 người tham dự. Các địa phương cũng đã tổ chức trình diễn 12 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành hỗ trợ 45 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp; hỗ trợ gần 276 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ trong nước với trên 300 gian hàng…


Các hoạt động đào tạo nghề, như: Nghề may công nghiệp, chế biến gỗ, chế biến thủy sản đều gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở CNNT; đào tạo một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu, làng nghề truyền thống hoặc những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT được tập trung nội dung theo nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, như: Kỹ năng quản trị doanh nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm; nâng cao kỹ năng tiếp cận các mạng lưới phân phối sản phẩm; nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến công... 


Bên cạnh đó, các địa phương còn thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT như: Tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm, xét tặng nghệ nhân và phát triển tiểu thủ công nghiệp tại một số tỉnh; hỗ trợ thực hiện liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp giữa các tỉnh; hỗ trợ có thu hồi (đầu tư xây dựng nhà xưởng và máy móc thiết bị); đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm khuyến công của tỉnh,...


Trong công tác tư vấn phát triển công nghiệp, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015 các Trung tâm khuyến công của khu vực phía Nam đã thực hiện tư vấn cho 519 dự án, về các lĩnh vực, như: Tư vấn xây lắp điện, tư vấn tiết kiệm năng lượng, tư vấn lập quy hoạch chi tiết cụm điểm công nghiệp, tư vấn giám sát các công trình xây dựng và tư vấn các dịch vụ về điện và các dịch vụ khác,...


Với các nội dung hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ngày càng đa dạng và phong phú, bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình KCQG và KCĐP đã trợ giúp thiết thực cho các cơ sở, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương và khu vực. Đây cũng chính là những đóng góp hiệu quả cùng với toàn ngành thực hiện thắng lợi kế hoạch hàng năm của ngành Công Thương.

 

Phòng TTTT (ARID)