Đây là sự nỗ lực tuyệt vời của những cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (Cục Công nghiệp địa phương), tâm huyết của doanh nghiệp cũng như chính quyền và người dân nơi đây.
Xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) là một trong 11 xã của các tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn làm nơi thí điểm xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hải Đường vốn là một xã thuần nông, ngoài thu nhập từ hai vụ lúa mỗi năm người dân Hải Đường không còn nguồn thu nào khác. Để trang trải cho cuộc sống không ít người dân Hải Đường đã phải “ly hương” bươn chải tìm việc làm nơi xa, số người trong độ tuổi lao động ở lại xã ngày một ít đi.
Từ những tháng cuối năm 2010, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (TTKC I) đã thực hiện đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân Hải Đường nhằm mục đích hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới. Vạn sự khởi đầu nan, trước khi tổ chức đào tạo nghề, cán bộ của TTKC I đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm và tìm nghề phù hợp cho người dân, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ cho việc đào tạo, tổ chức tuyên truyền cho người dân dưới mọi hình thức... Và chính những cán bộ của Trung tâm cũng phải 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng học nghề” với người dân Hải Đường để đảm bảo cho đề án được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Từ 270 triệu đồng nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ, sau 3 tháng, TTKC I đã tổ chức đào tạo thành công nghề may công nghiệp cho 300 lao động Hải Đường.
Thế nhưng, sau khi được đào tạo người dân Hải Đường sẽ làm gì và ở đâu, khi mà Hải Đường và các xã lân cận là xã thuần nông? Để giải quyết vấn đề này đồng thời tạo động lực cho người dân Hải Đường tham gia học nghề cải thiện cuộc sống, ngay từ khi bắt đầu triển khai đề án đào tạo, TTKC I đã đứng ra tìm và kêu gọi doanh nghiệp về xây dựng nhà máy may ngay tại Hải Đường. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Chuyên viên Phòng khuyến công thuộc TTKC I, đây là một việc cực kỳ khó, bởi Hải Đường là vùng thuần nông, hạ tầng cơ sở khó khăn, giao thông không thuận lợi… mà để có được một nhà máy may DN sẽ phải đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của cán bộ khuyến công và sự ủng hộ của UBND xã, hiện nhà máy may số 1 của Công ty CP đầu tư Hải Đường đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Ông Văn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP đầu tư Hải Đường cho biết, tính đến nay nhà máy may số 1 đã hoạt động được 3 tháng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động ở Hải Đường, với mức thu nhập bình quân khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, với 8 dây chuyền sản xuất, công ty sẽ có doanh thu khoảng 36 tỷ đồng trong năm 2011. Và hiện nay, công ty cũng đang chuẩn bị san lấp mặt bằng để mở rộng thêm nhà máy.
Đánh giá cao vai trò của hoạt động khuyến công trong việc hỗ trợ Hải Đường xây dựng mô hình nông thôn mới ông Tuần chia sẻ: phải khẳng định rằng nếu không có sự hỗ trợ của TTKC I thì Hải Đường hôm nay không thể có nhà máy may và người dân nơi dân nơi đây không thể có cuộc sống tốt đẹp như hiện nay. Hơn thế nữa, chính sự hỗ trợ tích cực của TTKC I đã giúp Hải Đường hoàn thành được hai tiêu chí khó khăn nhất trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu lao động và đảm bảo thu nhập cho người dân. Bên cạnh những sự thay đổi về cuộc sống, thì nhận thức cũng như phong cách làm việc của người dân nơi đây cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ thực hiện việc quy hoạch đất đai, dành quỹ đất công để đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp. Với đà này, một tương lai tươi sáng sẽ mở ra cho nhân dân Hải Đường.
Việt Nga