Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (AIP), Bộ Công Thương, năm 2010 hoạt động khuyến công đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, là đòn bẩy cho ngành công nghiệp nông thôn phát triển.


Theo đó, Năm 2010 AIP đã dành 152,6 tỷ đồng hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, tăng 115% so với năm 2009. Những nội dung chính của hoạt động khuyến công cũng được AIP và Sở Công Thương các tỉnh thực hiện chặt chẽ hơn sâu rộng hơn.


Với nội dung đào tạo, năm 2010, AIP đã dành hẳn 35% kinh phí (55,6 tỷ đồng) cho hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới. Kết quả của những cố gắng này là 75.000 lao động khu vực nông thôn đã được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm. AIP cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức đào tạo khởi sự DN cho 8.630 học viên, tổ chức 28 đoàn tham quan, học tập các đơn vị trong và ngoài nước về kinh nghiệm hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp, DN, tổ chức 51 buổi hội thảo giới thiệu công nghệ mới và cơ hội mở rộng thị trường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Là một trong những nội dung chiếm kinh phí khuyến công lớn nhất, những chương trình đào tạo nghề, truyền nghề… của AIP đã tạo ra những kết quả rất tích cực, đời sống của người lao động khu vực nông thôn được cải thiện, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) trong cơ cấu kinh tế của các địa phương ngày một cao.


AIP cũng rất khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cải tiến phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Năm 2010, AIP dành hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ cho 160 đề án trình diễn mô hình kỹ thuật và 427 cơ sở sản xuất, DN đưa thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất. Qua đó, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng rõ rệt.


Đáng chú ‎‎ý, AIP rất tích cực thực hiện những chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu như: tổ chức 4 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu tại 4 tỉnh Bắc Ninh, Bình Định, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức 3 hội nghị khuyến công vùng và hội nghị khuyến công các tỉnh… AIP cũng có những chính sách khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất, làng nghề tham dự các cuộc hội chợ như: hỗ trợ phí thuê gian hàng, hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển… Những chương trình tư vấn, cung cấp thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được AIP, sở công thương các tỉnh tích cực thực hiện trong năm vừa qua.


Bên cạnh đó, AIP đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ liên doanh liên kết và phát triển các cụm công nghiệp, năm 2010 AIP đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 25 cụm công nghiệp tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi làng nghề đảm bảo môi trường sống, môi trường sản xuất cho người dân. Kinh phí hỗ trợ cho những hoạt động này là 14,4 tỷ đồng chiếm 15% tổng kinh phí khuyến công… Ngoài ra, AIP cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các văn bản, chính sách về xây dựng và quản l‎y cụm, điểm công nghiệp, hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, hoàn chỉnh bộ máy cán bộ khuyến công các cấp…


Đánh giá về kết quả của hoạt động khuyến công trong năm vừa qua, ông Ngô Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết: Hoạt động khuyến công vẫn duy trì và phát huy được những thành tựu đã đạt được. Nội dung hoạt động khuyến công đa dạng và phong phú hơn, nhiều hoạt động khuyến công mới được đẩy mạnh thực hiện như: hỗ trợ thành lập DN, phát triển thương hiệu… Chất lượng hoạt động khuyến công có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, hệ thống tổ chức khuyến công từ trung ương đến cơ sở được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn.


Theo AIP, năm 2011 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công theo Quyết định QĐ/136/2007 về phát triển hoạt động khuyến công quốc gia đến năm 2012. Huy động tối đa các nguồn vốn sẵn có tại các địa phương để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tiếp tục triển khai công tác khuyến công, tập trung vào đào tạo, truyền nghề, du nhập nghề mới, chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật./.
 

Việt Nga (Ven.vn)