Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khi trả lời phỏng vấn Bản tin Khuyến công về vấn đề này.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động khuyến công năm qua?
Một trong những thành công đáng kể nhất là năm qua hoạt động khuyến công đã đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Với tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công lên tới 158,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 62,5tỷ đồng (tăng 13,99% so với năm 2010), kinh phí khuyến công địa phương là 96,2 tỷ đồng (tăng 9,61%) các hoạt động khuyến công đã tập trung thực hiện theo 7 tiểu chương trình theo Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg. Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức đào tạo nghề nhằm ổn định và tạo việc làm cho 71.338 lao động. Trên 8.700 học viên được đào tạo nâng cao tay nghề, khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý. Các học viên sau đào tạo đều có việc làm với thu nhập khá ổn định. Điều đó đã tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động khuyến công.
Hoạt động khuyến công cũng đã hỗ trợ xây dựng trên 100 mô hình trình diễn kỹ thuật công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, chuyển giao công nghệ cho 284 cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức được 51 đoàn tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm hoạt động khuyến công trong và ngoài nước. Hỗ trợ các cơ quan truyền thông tuyên truyền về công nghiệp nông thôn và hoạt động khuyến công, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về sản xuất kinh doanh, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, từ đó tìm ra hướng đi cho mình. Các chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp, chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình phát triển hoạt động tư vấn, ,... cũng đạt hiệu quả rất đáng khích lệ.
Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức thành công các Hội nghị khuyến công vùng và các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quản lý. Nhiều đơn vị đã xây dựng và triển khai các đề án khuyến công có chất lượng cao, quy mô đề án lớn, có tính trọng tâm, trọng điểm. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công quốc gia ngày càng quy chuẩn và chặt chẽ. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp, hoạt động khuyến công còn góp phần phát triển sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Có thể nói, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa; tạo việc làm- thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa- xã hội ở nông thôn.
Các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa là thành phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế công nghiệp địa phương. Tuy nhiên, mấy năm qua các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng rất khó khăn. Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp này?
Hiện nay, cả nước có khoảng 52.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp (DNCNNVV) với khoảng 4,8 triệu lao động. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và lạm phát gia tăng nên năm 2011 có nhiều doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc giảm nhân công, thu hẹp sản xuất. Chỉ những DNCNNVV ở các vùng có lợi thế về nguyên liệu, nhiên liệu, nhân lực tại chỗ là vẫn giữ ổn định sản xuất kinh doanh, thậm chí đầu tư mở rộng phát triển. Để giúp các doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong điều kiện khó khăn, Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương thường xuyên, kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề xuất phương pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn đầu tư, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm công nghiệp,.. nhằm nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã đề xuất kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ DNCNNVV tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thuê mặt bằng phát triển sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đồng thời, Bộ Công Thương đã nghiên cứu sửa đổi Nghị định 134/2004/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành để có thêm cơ chế mới hỗ trợ cho DNCNNV ở nông thôn.
Đặc biệt, việc phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương thời gian qua đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất, thu hút, di dời các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nguồn vốn còn hạn hẹp. Chất lượng công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn thấp; việc triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp nhìn chung rất chậm, thiếu đồng bộ. Việc huy động các doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lấp đầy trong các cụm công nghiệp còn thấp. Công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Đặc biệt, bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cụm công nghiệp ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ chế quản lý còn có nơi thì buông lỏng, nơi còn chồng chéo. Để khắc phục tình hình, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục xây dựng, sửa đổi bổ sung, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Năm qua, Bộ đã phê duyệt 5,17 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho 13 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và 1 đề án hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại 11 tỉnh. Dù nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp nhưng đã có tác dụng khuyến khích, động viên phát triển cụm công nghiệp ở các địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Qua đó huy động được thêm nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác vào đầu tư kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu phát triển công nghiệp địa phương của năm 2012, các Trung tâm khuyến công cần phải làm gì, thưa Thứ trưởng?
Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp đã đề ra, các Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực điều hành, công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện và quản lý các các đề án khuyến công. Làm tốt công tác tư vấn về cơ chế chính sách, giúp các doanh nghiệp địa phương, các cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước và các chính sách khuyến công. Tư vấn cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách về đầu tư, thủ tục hành chính thành lập, ưu đãi doanh nghiệp. Thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển hạ tầng thương mại, khuyến công, cụm công nghiệp. Góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Quyết định số 443/QĐ-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi cơ chế chính sách của địa phương nhằm tạo điều kiện hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Xây dựng tốt mối liên kết vùng để huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp nông thôn, hướng tới phát triển bền vững. Hy vọng rằng, với sự chung tay góp sức của mọi nguồn lực, hoạt động khuyến công, công nghiệp ở các địa phương sẽ ngày càng tốt hơn, thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế công nghiệp cả nước ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng
PV. Bản tin KC (thực hiện)