Theo số liệu từ Cục CNĐP, 5 năm qua, Chương trình khuyến công đã hỗ trợ xây dựng 786 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ cho 1.013 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Kinh phí cho chương trình này là 84,739 tỷ đồng, chiếm 21,62% tổng kinh phí, trung bình hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình.


Tổng vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình là 2.191,906 tỷ đồng; trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được 26 đồng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình. Theo đánh giá chung, đây là 1 trong những chương trình thực hiện khá hiệu quả thời gian qua. Rất nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ sau khi thực hiện đã đem lại hiệu quả rất thiết thực như tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… Điển hình là các mô hình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc đồng mỹ nghệ từ đồng thanh thiếc ở Nam Định. Mô hình đi vào hoạt động không chỉ tạo việc làm ổn định cho 95 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu – 1,9 triệu đồng/người/tháng mà còn góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định. Mô hình trình diễn kỹ thuật dệt chiếu Uzu xuất khẩu ở An Giang đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy dệt chiếu, nâng cao năng suất sản phẩm 60.000m/năm, tạo ra nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao từ máy dệt, đưa sản phẩm đến các khách sạn, đáp ứng nhu cầu sản phẩm xuất khẩu, phục vụ cho việc kinh doanh và du lịch mang tính đặc thù của địa phương. Mô hình đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất sản phẩm mới tre ép Standwowen theo công nghệ Hồng Kông ở Hà Nội giúp doanh nghiệp tận dụng nguyên vật liệu tới 80%, vừa giảm giá thành đầu ra, vừa nâng cao giá nguyên vật liệu đầu vào, thu hút người dân trồng tre, đảm bảo khả năng tái tạo rừng. Mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm từ trái bần ở Trà Vinh đã hỗ trợ cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động với thu nhập 1,3 triệu – 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tạo điều kiện đưa sản phẩm mứt bần vào siêu thị và xuất khẩu…


Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay trong việc xây dựng mô hình trình diễn là kinh phí hỗ trợ còn quá ít. Quy định mức hỗ trợ tối đa là 250 triệu đồng/mô hình, trong khi tổng mức đầu tư của mô hình có khi lên tới hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, thủ tục hành chính từ khi xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng phải qua rất nhiều thủ tục, yêu cầu kế hoạch quá chi tiết làm mất rất nhiều thời gian nên doanh nghiệp không mấy mặn mà. Đó là chưa kể, muốn có một mô hình để tổ chức trình diễn kỹ thuật hoặc giới thiệu công nghệ mới thì nhà đầu tư phải đầu tư trước, thế nhưng khi quyết toán lại yêu cầu chứng từ phải trong năm tài chính là không khả thi. Thậm chí, vì nhiều lý do khác nhau nên có những đề án đăng ký bị trả lại hoặc đã được phê duyệt nhưng không triển khai được. Thế nhưng nếu doanh nghiệp muốn hoàn chỉnh lại để đăng ký vào năm sau thì không được, điều đó đã làm mất ý nghĩa của chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần sửa đổi cơ chế theo hướng thủ tục hồ sơ gọn nhẹ; điều kiện, tiêu chuẩn được hỗ trợ rõ ràng, hợp lý; phù hợp với thực tiễn hiện nay để những doanh nghiệp thực sự khó khăn sẽ được hưởng hỗ trợ.


Về vấn đề này, ông Phan Văn Bản, Phó Cục trưởng Cục CNĐP cho biết: Bản chất việc xây dựng đề án không quá phức tạp mà chủ yếu do cách hiểu, cách làm chưa đúng hoặc trình độ lập dự án của doanh nghiệp (kể cả cán bộ hướng dẫn) còn hạn chế nên phải viết đi viết lại nhiều lần khiến doanh nghiệp nản chí. Thực tế, có nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Thái Bình xây dựng nhiều mô hình trình diễn rất hiệu quả. Rõ ràng, co chế chính sách chỉ là 1 yếu tố, vấn đề quan trọng là hiểu và thực hiện dự án đó như thế nào. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách hiểu, cách làm của từng người thực hiện, từng cán bộ hướng dẫn cũng như thẩm định dự án.
 

Ngọc Loan