Ngày 23/7/2010, tại Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị công tác khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ V

 

Hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, hiệu quả

Theo đánh giá tại Hội nghị, thời gian qua, hoạt động khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc luôn duy trì vai trò đầu tàu với tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công luôn chiếm tỷ lệ cao trên toàn quốc. Công tác phối hợp, kết nối hoạt động ngày càng hiệu quả, công tác xây dựng, triển khai và thanh quyết toán các đề án khuyến công ngày càng tiến bộ.

Các nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng phong phú, quy mô chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao và có tác dụng rõ rệt đến phát triển công nghiệp ở nông thôn.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2010, hoạt động khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia các tỉnh phía Bắc đã đào tạo nghề cho 14.200 lao động; tập huấn về nâng cao năng lực tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, tổ chức các hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Hỗ trợ 33 mô hình trình diễn kỹ thuật.

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương cũng đào tạo được 6.705 lao động; đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.115 người; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 1.085 người; tổ chức cho 166 người tham quan học tập kinh nghiệm trong nước, 8 người tham quan học tập kinh nghiệm nước ngoài; hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho 14 cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngoài ra còn hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm điểm công nghiệp làng nghề, tư vấn phát triển công nghiệp… Đặc biệt, công tác xây dựng kế hoạch khuyến công là khâu quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công của hoạt động khuyến công đang ngày càng được hoàn thiện và đi vào nề nếp.

Hiện nay, Cục Công nghiệp địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia. Một số địa phương đã xây dựng được những đề án có quy mô lớn, có trọng tâm, có sức lan tỏa rộng. Năm 2010, tổng kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố phía Bắc là 80,522 tỷ đồng, chiếm 46,13% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 34,651 tỷ đồng (giảm 5,45% so với năm 2009); kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 45,871 tỷ đồng (tăng 12,63% so với năm 2009).


Tuy nhiên, do hệ thống cán bộ khuyến công ở các địa phương còn thiếu nhiều (đến nay mới 2 tỉnh có hệ thống khuyến công viên đến cấp xã), trình độ cán bộ khuyến công còn hạn chế nên việc lập kế hoạch và triển khai các đề án khuyến công còn nhiều bất cập, hồ sơ của các đơn vị thường gửi chậm, không đúng thời gian quy định; nhiều địa phương gửi đăng ký đề án nội dung, chất lượng thấp. Kết quả là nhiều địa phương không sử dụng hết kế hoạch kinh phí được giao trong khi các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn luôn trong tình trạng thiếu vốn. Thậm chí đến nay vẫn còn tỉnh Điện Biên chưa bố trí kinh phí khuyến công địa phương…


Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2010, hoạt động khuyến công sẽ tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu cả năm 2010 kinh phí khuyến công quốc gia sẽ hỗ trợ đào tạo 22.020 lao động, đào tạo 1.180 cán bộ của các cơ sở công nghiệp nông thôn về kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu; kỹ năng lãnh đạo và điều hành; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; xây dựng 48 mô hình trình diễn, 16 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Kinh phí khuyến công địa phương cũng phấn đấu cả năm 2010 sẽ đào tạo nghề, tạo việc làm cho 24.671 lao động, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.115 người, nâng cao năng lực quản lý cho 2.795 người, hỗ trợ xây dựng 22 mô hình trình diễn, hỗ trợ 160 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước…

Tăng cường đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung chủ yếu vào các kiến nghị: sửa đổi bổ sung một số nội dung Nghị định 134 phù hợp với thực tiễn. Mở rộng đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng chính sách khuyến công. Đề nghị Bộ Công Thương ban hành định mức kinh phí khuyến công cho từng hạng mục cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thanh quyết toán nguồn vốn khuyến công. Có chính sách ưu tiên kinh phí khuyến công cho một số tỉnh miền núi biên giới hoặc địa bàn công nghiệp nông thôn chưa phát triển. Điều chỉnh lại thời gian xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công hàng năm phù hợp với thời gian xây dựng kinh phí khuyến công ở địa phương. Xây dựng chức năng nhiệm vụ cơ chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ khuyến công viên công tác tại các huyện, xã... Đặc biệt, do nguồn vốn, kinh phí đào tạo nghề của hầu hết các tỉnh, thành phố còn hạn hẹp nên việc phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Nhà nước.


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải ghi nhận và biểu dương những cố gắng của đội ngũ cán bộ khuyến công và chỉ rõ những hạn chế của công tác xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia các địa phương khu vực phía Bắc thời gian qua.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tiếp thu ý kiến của các Sở Công Thương để từng bước cải tiến thủ tục hành chính được nhanh gọn, tiếp tục hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công cả ở trung ương và địa phương. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của các Sở Công Thương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị trên địa bàn xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hoạt động nghiệp vụ cho hệ thống cán bộ làm công tác khuyến công ở các địa phương. Xác định danh mục những ngành nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để hướng hoạt động khuyến công vào khuyến khích, phát triển công nghiệp nông thôn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng.


Thứ trưởng cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các Sở Công Thương, các Trung tâm khuyến công cần chủ động phát huy nội lực, tăng cường liên kết hợp tác để tìm hướng đi cụ thể cho hoạt động khuyến công ở địa phương.
 

Ngọc Loan