Ngày 24/5, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Bắc lần thứ VI-2019. Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đặng Hoàng An, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương ông Ngô Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng ông Bùi Quang Hải.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá ngành Công Thương đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của khu vực phía Bắc.  Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn khu vực đạt 4.035,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9 % so với cùng kỳ năm 2017; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 1.498,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 127,1 tỷ USD, tăng 18,2% và chiếm 51,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tiếp đà đó, 4 tháng đầu năm, ngành Công Thương khu vực tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp(SXCN) của khu vực tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4,8%.

Dù đánh giá cao những kết quả đã đạt được nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vẫn chỉ ra: So với năm 2018, 4 tháng đầu năm ngành Công Thương khu vực đang có những dấu hiệu bất thường khi giá trị SXCN có dấu hiệu chững lại. Nếu như năm 2018, giá trị SXCN của vùng đạt cao nhất so với các khu vực trên cả nước, tuy nhiên mức tăng của những tháng đầu năm thấp. “Dấu hiệu này là cảnh báo khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2019. Nếu không tìm ra giải pháp hữu hiệu và sớm triển khai sẽ không chỉ kéo thấp mức tăng trưởng của vùng mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của cả nước”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Diễn biến Hội nghị

Ông Nguyễn Công Trưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phản ánh: 2 năm gần đây Trung Quốc xiết chặt truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu qua đường biên, khiến sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. 4 tháng đầu năm xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,5 tỷ USD, riêng mặt hàng nông sản giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2018. Mặt khác, Lạng Sơn rất chủ động trong cải cách thủ tục hành chính, giúp hàng hoá được thông thương một cách nhanh nhất nhưng phía bạn lại gây rất nhiều khó khăn gây ách tắc tại các cửa khẩu, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Bắc Ninh là địa phương có SXCN, xuất khẩu lớn nhất nhì của vùng nhưng ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn băn khoăn, bởi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới 90% kim ngạch xuất khẩu và 80% giá trị SXCN của tỉnh. Hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó ý thức của doanh nghiệp trong xử lý nước thải, rác thải rất kém, tỉnh dù đã rất nỗ lực xử lý, thậm chí ưu đãi lớn nhưng tiến triển rất chậm.

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cũng đã giải đáp về những khó khăn của Lạng Sơn. Cụ thể, thời gian vừa qua kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, thu nhập của người dân tăng cao kéo theo thị hiếu tiêu dùng thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc và xiết chặt thực hiện từ năm 2018.  Căng thẳng thương mại Trung Quốc- Mỹ leo thang, cơ quan quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng hàng hoá của Mỹ có thể qua Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đó là những nguyên nhân gây khó cho hoạt động xuất khẩu, nhất là nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trước những thay đổi trên, Bộ Công Thương cũng đã có thông tin cảnh báo các địa phương về tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc; mời đoàn chuyên gia hướng dẫn nông dân về tiêu chuẩn sản xuất, quy cách đóng gói. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát tình hình và có cảnh báo kịp thời về những thay đổi cũng như các dấu hiệu bất thường.

Cùng đó, hàng loạt những vấn đề liên quan đến lĩnh vực điện, cơ chế chính sách, hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp…cũng đã được các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương giải đáp thoả đáng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ chức năng của Bộ, những vấn đề được các địa phương ra vấn đề nào giải quyết được Bộ sẽ giải quyết ngay, vấn đề nào liên quan đến các Bộ, ngành khác hoặc vượt thẩm quyền Bộ hứa sẽ sớm phối hợp và trình cấp có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết”.

Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện, các địa phương cần sớm triển khai giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Theo đó, các địa phương cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối; xây dựng danh mục và khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại; phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...Trong khuôn khổ Hội nghị, được sự thống nhất của các đại biểu, Ban tổ chức cũng đã trao cờ luân lưu tổ chức Hội nghị ngành Công Thuương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VII cho Sở Công Thương  tỉnh Thái Nguyên thực hiện vào năm 2020.

 

TTCN (ARIT-MOIT)