Chè Việt Nam lâu nay xuất khẩu dưới dạng thô, chủ yếu để các nhà nhập khẩu làm nguyên liệu đấu trộn với chè của nước khác, đóng gói và phân phối cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. Thị phần chè Việt Nam tại các nước tiềm năng là các nước đang phát triển hầu như không đáng kể. Đây là cơ hội để chè VN xâm nhập và chiếm thị trường nếu có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và có chất lượng phù hợp và ổn định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu những hạn chế trong sản xuất chế biến chè như: chuyển đổi cơ cấu giống mới chậm; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; thiếu lao động có kiến thức và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp; việc chia nhỏ vườn chè cho hộ gia đình nên các doanh nghiệp chế biến không kiểm soát được chất lượng và an toàn thực phẩm... Các doanh nghiệp chè đóng vai trò chủ đạo nhưng thường thiếu nguyên liệu, không có sự gắn kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chế biến cũ, thiếu tìm tòi sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Các đại biểu cho rằng, để sản xuất chế biến chè bền vững thì nguyên liệu chế biến là yếu tố quyết định. Cần tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung theo chuyên môn hóa; sản xuất chè sạch hữu cơ, tránh manh mún theo từng hộ. Đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất mang lại hiệu quả trong nông nghiệp. Đáp ứng yêu cầu phát triển chè bền vững, các tỉnh và ngành chè Việt Nam cần xây dựng chiến lược thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại.
CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)