Làng nghề thu hút 30% lao động nông thôn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP, trên địa bàn cả nước hiện có trên 4.500 làng nghề, trong đó có trên 1.300 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, còn trên 3.000 làng nghề chưa được công nhận. Tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng làng nghề lần lượt là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, chiếm 60% tổng số làng nghề trong cả nước. Hoạt động ngành nghề nông thôn đã thu hút gần 30% lực lượng lao động tham gia vào cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Có những làng nghề thu hút trên 60% lao động trong tổng số lao động của địa phương vào hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động thường xuyên, các hộ, cơ sở ngành nghề còn thu hút thêm từ 2% đến 10% lao động thời vụ. Việc phát triển các làng nghề đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Sự lan tỏa của các làng nghề đã mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn năm 2010 của 30 tỉnh, thành phố đạt trên 78.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương cần khắc phục nhiều bất cập. Tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng tăng trong nhiều ngành, nhất là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; công nghệ, thiết bị của các làng nghề khá lạc hậu; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo chưa quyết liệt, nhất là dành nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến sức của người lao động trong các cơ sở sản xuất và cộng động.
Đặc biệt, hiện nay việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn còn chồng chéo, mà điển hình là việc giao công tác quản lý ngành nghề nông thôn (27 tỉnh giao cho Sở Công Thương, 22 tỉnh khác giao cho Sở NN&PTNT)…
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công
Phát biểu tại hội nghị, nhiều tham luận của các đại biểu cho rằng muốn đẩy mạnh phát triển ngành nghề ở nông thôn, trước mắt cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điểm chưa hợp lý trong Nghị định 66. Cụ thể, đưa một số ngành nghề mới vào danh mục và thống nhất về một mối trong việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa hai ngành Nông nghiệp và Công thương. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết hoặc Chỉ thị về phát triển ngành nghề nông thôn bền vững phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới…
Theo đại diện Bộ Công thương, thực hiện Nghị định 66, Bộ đã phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công và hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết thực các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng quảng bá thương hiệu sản phầm làng nghề , ngành nghề nông thôn. Cụ thể: 5 năm qua kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng phát triển sản xuất CN- TTCN, làng nghề, trong đó bao gồm các hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, xây dựng mô hình trĩnh diễn kĩ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, phát triển hoạt động tư vấn,cung cấp thông tin, hỗ trợ liên doanh liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các CCN, thành lập hiệp hội làng nghề…
Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về hoạt động khuyến công để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tại các làng nghề CN- TTCN tham gia các chương trình khuyến công. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CN- TTCN tại các làng nghề, trong đó chú trọng tới hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó hỗ trợ các TT Xúc tiến thương mại xây dựng các đề án tiêu thụ sản phẩm các làng nghề truyền thống; Hỗ trợ thực hiện các hoạt động kết nối các làng nghề với các Doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu nông sản, đặc sản và sản phẩm làng nghề; hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động tăng cường xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị định 66, trong đó hướng dẫn, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước về làng nghề nói chung, làng nghề CN- TTCN nói riêng, đặc biệt là đối với Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tại các địa phương. Đề nghị Chính phủ cần ưu tiên phát triển các nguồn lực, ngành nghề có thế mạnh, có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lực lượng lao động tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ xuất khẩu...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng đề nghị các tỉnh, thành phố sau hội nghị này cần làm ngay công tác quy hoạch ngành nghề nông thôn; tập trung chỉ đạo xử lý môi trường trong các làng nghề; có những chính sách bảo tồn ngành nghề truyền thống. Trong thời gian tới, Ngành sẽ kiến nghị với Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cụ thể hóa đào tạo lao động làng nghề; đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề thủ công, mỹ nghệ; Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác khuyến công, lập quỹ quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các làng nghề.
Hải Ngọc