Sáng 26/27-9-2014 tại thành phố Điện Biên tỉnh Điện Biên. Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào dã tổ chức Hội nghị Hợp tác Phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ IX. Gần 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, nghành ở trung ương và những tỉnh có biên giới chung của cả hai nước Việt – Lào đã tham dự Hội nghị

 

Theo báo cáo chung tại Hội nghị, trong 2 năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Lào có những bước phát triển đáng kể, đã từng bước khai thác được tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2013 đạt gần 1,13 tỷ USD và dự kiến năm 2014 đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hiện tại kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ khó đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra…


Cửa khẩu Tây Trang – Điện Biên đang hình thành một cụm công nghiệp sản xuất xi măng nhằm tận dụng những nguyên liệu sẵn có. Nhà máy xi măng Điện Biên với công suất hơn 1200 tấn/năm,luôn phải chạy hết công suất để phục vụ bà con biên giới và thị trường Bắc Lào. Kể từ Hội nghị thương mại lần thứ 8 đến nay, với sự đầu tư đáng kể của hai chính phủ vào cơ sở hạ tầng như: Giao thông, điện ở các cửa khẩu dọc tuyến biên giới Việt Lào đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với vùng biên giới.


Theo thống kê của Hải quan, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2013 tăng 28,97% so với năm 2012 - đạt 873 triệu USD, riêng 8 tháng năm 2014 đã tăng 41,68% so với cùng kỳ năm 2013. Trong hai năm qua, thương mại biên giới giữa hai nước có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng với tốc độ cao; các cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính được hai Bên quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật được chính quyền địa phương phối hợp ngăn chặn hiệu quả,...


Kim ngạch trao đổi hàng hoá giữa hai nước tăng mạnh qua các năm nhưng chưa đồng đều trên cả tuyến biên giới, một số tỉnh có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông không được đầu tư tương xứng nên thương mại biên giới nói riêng, kinh tế cửa khẩu nói chung không phát triển được. Các phương thức kinh doanh không đa dạng, chủ yếu là xuất nhập khẩu trực tiếp qua biên giới, các loại hình dịch vụ phục vụ thương mại biên giới chưa phát triển. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan của hai Bên cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới phục vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và hai nước nói chung.


Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn Lào chủ yếu là: Thuỷ sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc. Với cơ cấu mặt hàng nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam tập trung chủ yếu vào những nhóm mặt hàng chính là: gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá. Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Việt Nam có 142 chợ biên giới gồm: 124 chợ biên giới, 12 chợ cửa khẩu và 06 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Chính sách thuế và các quy định về thủ tục hải quan xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và Lào còn nhiều thay đổi chưa thống nhất nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN và khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thực thi quản lý và điều hành về thương mại biên giới.


Theo Bà Khemmani PHOLSENA, Bộ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thì hai nước cần có các nghiên cứu, trao đổi đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng thương mại cho khu vực biên giới mỗi nước. Một mặt, cần tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới như bến bãi vận tải, hệ thống kho tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, chợ biên giới,... tại khu vực cửa khẩu.


Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có tâm lý ngại đưa sản phẩm qua biên giới sang Lào. Bên cạnh các thủ tục xuất cảnh và thủ tục kiểm hóa, kiểm dịch còn chưa thuận lợi thì việc chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn diễn ra hàng ngày, một phần do địa hình biên giới phức tạp, phân bố dân cư, khó khăn về kinh tế của vùng biên giới và một phần do sự chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy định của pháp luật và sự khác biệt trong chính sách quản lý của mỗi nước.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Cho đến nay, hai Bên chưa xây dựng, ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới giữa hai nước. Điều này gây ảnh hưởng tới sự thống nhất đồng thuận, giải quyết một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.


Hoạt động thương mại Việt Nam - Lào đã tạo ra những điều kiện để các địa phương biên giới khai thác, phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mình, liên kết được với các tỉnh, thành trong cả nước, dần dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động, có thế và lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thương mại biên giới chưa khai thác hết được lợi thế của thương mại biên giới, hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới của hai nước đang trong quá trình hoàn thiện nên hiệu quả pháp lý thấp, còn nhiều bất cập. Trên tinh thần phát huy truyền thống hữu nghị, láng giềng tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nêu quyết tâm bằng những biện pháp mới, kế hoạch mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, vượt qua khó khăn, thách thức để cùng nhau tạo ra vùng biên giới “Hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”..


Hùng Lê (ARIID)