Hội nghị có sự tham gia của trên 150 đại biểu đại diện cho các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công 22 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội… và đại diện các sở, ban ngành, huyện, thành phố tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ trì Hội nghị có Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ công Thương; Ông Phạm Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Ngô Quang Trung- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Cục CNĐP); Ông Dương Duy Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Vụ TTTN).
Tại Hội nghị, đại diện Cục CNĐP đã trình bày tóm tắt hoạt động công thương 6 tháng đầu năm 2015 thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Theo Báo cáo, tính đến cuối năm 2014, khu vực có khoảng 18.503 doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,29% cả nước, 368 HTX chiếm 11,31% cả nước với tổng số lao động gần 400.000 người.
Thực hiện chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2014, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 128 sản phẩm tham gia bình chọn của trên 120 cơ sở CNNT. Kết quả đã bình chọn được 45 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, chiếm 27,11% trong số 166 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn cấp khu vực của cả nước.
Trong công tác liên kết phát triển vùng, đã duy trì việc trao đổi thông tin thường xuyên về công tác quản lý nhà nước giữa các sở công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu quảng bá, thúc đẩy trao đổi thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh liên kết và mở rộng đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tạo ra quan hệ hợp tác giữa các tỉnh chặt chẽ hơn, nhất là trong công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, liên kết vùng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, vẫn ở mức độ trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm và việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, diễn đàn đầu tư, hội chợ triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm của các tỉnh trong vùng chưa được tiến hành thường xuyên.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ TTTN đã trình bày kinh nghiệm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương trong thời gian qua, cụ thể: Nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, xây dựng chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động; tổ chức mạng lưới và phối hợp chặt chẽ giữa các đầu mối trong mạng lưới để triển khai các hoạt động của ngành Công Thương hưởng ứng cuộc vận động; lồng ghép các nội dung của cuộc vận động vào chương trình nhiệm vụ thường xuyên của ngành Công Thương như chương trình bình ổn thị trường, hoạt động khuyến công, công tác quản lý thị trường, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng...
Tại Hội nghị, đại diện doanh nghiệp như Lotte shopping mart Việt Nam, Saigon Coop., BigC, Hapro và các doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở CNNT trong khu vực đã có điều kiện giới thiệu kết quả hoạt động của mình, đồng thời qua đó kêu gọi sự trợ giúp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kết nối cung - cầu, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong khu vực với nhau, từ đó tăng cường mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau trong cạnh tranh, cùng phát triển.
Kết thúc Hội nghị, 32 biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với các Trung tâm thương mại, nhà phân phối về việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết thành công, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị./.
CTV