Chỉ thị nêu rõ, trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế trong nước cũng như những tác động của kinh tế thế giới, việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 cần bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011 – 2020 của cả nước. Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm của cả nước, các quy hoạch phát triển. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách trong Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 phải bảo đảm tính khả thi.
Chỉ thị cũng đưa ra mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.
Xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020
Để thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Theo đó, căn cứ vào: Tình hình và kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của cả nước, ngành, lĩnh vực và địa phương; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt; các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; dự kiến nhu cầu, khả năng cân đối vốn đầu tư công… các bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thủ tướng cũng yêu cầu, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải tuân thủ nguyên tắc: Đảm bảo thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương đã được phê duyệt; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản…
Chỉ thị số 23/CT-TTg cũng nêu rõ, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.
Nguyễn Văn Thịnh