Với khoảng 70% cư dân đang sống tại nông thôn, hoạt động của các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần điều hòa lợi ích, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, việc đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế (chỉ chiếm khoảng trên 30% tổng vốn đầu tư cả nước).


Chính sách khuyến khích đầu tư chưa hiệu quả


Nguyên nhân là do việc đầu tư vào lĩnh vực này nhiều rủi ro, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hàng hóa (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) còn thấp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp (DN) ở nông thôn gặp không ít khó khăn, trong đó có cả các yếu tố khách quan như: Cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn nghèo nàn lạc hậu, môi trường kinh doanh còn có nhiều điểm chưa thuận lợi; khả năng quản lý nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường còn hạn chế… Do đó, mục tiêu hướng về nông thôn, phục vụ nông dân của các DN thường gặp phải những rào cản đáng kể. Điều này phản ánh các chính sách khuyến khích đầu tư khu vực nông thôn chưa phát huy được tác dụng hoặc mức độ tác động của các chính sách này chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả. Đó là chưa kể còn rất nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi như: Thuế, phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa;  chưa thật sự khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến. Về bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông lâm thủy sản do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được phát triển là hạn chế lớn nhất hiện nay đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Trong buổi Lễ tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia năm 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 17/10/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, hướng ưu đãi đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điều đó cho thấy, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc phát triển công nghiệp nông thôn.
Để đạt mục đích này, Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi DN, mỗi nhà sản xuất, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang thương hiệu Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước khẳng định uy tín trên thị trường thế giới, trước hết là tại các thị trường mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương.


Theo ông Trần Đức Hạnh- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cổ phần thuốc thú y Matphavet: Các chính sách ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn hiện khá nhiều, nhưng sở dĩ kém hấp dẫn đối với các DN là do thủ tục triển khai dự án còn rườm rà. Điều này khiến DN từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư thành ra DN phải đi chạy vạy, xin xỏ mới được đầu tư. Bởi vậy, chỉ cần các thủ tục, quy trình triển khai dự án đơn giản, công khai, dễ thực hiện sẽ tạo ra sức hút đáng kể kéo DN đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn.  Ông Hạnh cho biết, đối với sản xuất cà chua của doanh nghiệp thì đây là một sản phẩm có nhiều vitamin nhưng rất nhanh hỏng. Trong quá trình xuất khẩu phải qua rất nhiều các thủ tục cấp phép, nếu làm không kịp, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Trong khi DN đầu tư cả một dây chuyền sản xuất công nghệ đạt chuẩn quốc tế với kinh phí trên 300 tỷ đồng thì một số đơn vị được quyền thanh, kiểm tra lại không có bất cứ máy móc nào để kiểm tra, đặc biệt là không am hiểu về lĩnh vực mà DN đầu tư, sản xuất. Thời gian thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề thường kéo dài, gây phiền phức cho DN – ông Hạnh chia sẻ.


Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng, hiện nay, khu vực nông nghiệp – nông thôn đang có nhiều chi phí rất bất hợp lý chồng chéo nhau khiến giá thành sản phẩm cao. Rất nhiều thủ tục cho vay, tiêu thụ sản phẩm, kiểm dịch chưa phù hợp, gây khó dễ cho người dân. Khi vấn đề này được tháo gỡ thì DN sẽ mặn mà về với nông thôn. Cùng với đó là tất cả các thủ tục, điều kiện phục vụ nông thôn cần vận dụng linh hoạt hơn. Vai trò quan trọng nhất lúc này thuộc về chính quyền địa phương. Vì mỗi địa phương, mỗi vùng có một đặc điểm khác nhau, có yêu cầu, đối tượng khác nhau. Sâu sát trong việc phát hiện, dự báo, dự tính để phát hiện, giải quyết những ách tắc cụ thể thì phải là chính quyền địa phương. Cho nên địa phương phải trợ giúp DN và nông dân tìm đầu ra tiêu thụ. Mỗi nơi có một sáng kiến, mỗi nơi có một điều kiện hoàn cảnh thì sẽ có cách vận dụng, và hành động khác nhau. Có như vậy mới mong đạt được hiệu quả như kỳ vọng – ông Kiêm chia sẻ.


Địa phương phải vào cuộc


Được biết, hiện nay, rất nhiều địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương. Điển hình như tỉnh Phú Thọ đưa ra cơ chế hỗ trợ đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, đối với các dự án trồng và chế biến chè, rau, củ quả, thịt, Tỉnh hỗ trợ 50% chi phí, nhưng không quá 1 - 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng nhà xưởng, nhà lưới, hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, kênh mương, thủy lợi nội đồng, thu gom và xử lý chất thải. Hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 5 tỷ đồng/nhà máy để xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các nhà đầu tư có dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gỗ ván… Đồng thời, khuyến khích các hộ dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với các doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Nghiên cứu thu hồi đất của các nông lâm trường và chuyển một phần diện tích đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để tạo quỹ đất sạch thu hút cho các DN vào đầu tư.


Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc- Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn về đất đai theo hướng sớm hình thành thị trường đất đai để DN có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất. Cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cùng các chính sách khuyến khích DN đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất. Đối với nguồn nhân lực, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp, giao cho DN ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính DN của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực,…. Cũng theo ông Ngọc, ngoài chính sách khuyến khích của nhà nước, các DN cần năng động hơn nữa trong chiến lược sản xuất kinh doanh. DN cần đánh giá lại năng lực sản phẩm của mình, khả năng cạnh tranh trên thị trường và các điều kiện hội nhập, đổi mới mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này nhà nước không thể làm thay được.


CTV