Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của các doanh nghiệp, tập đoàn khá cao; có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt gần 100%. Có được kết quả này, một phần thông qua chủ trương sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của nhau để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Một trong những đơn vị thu được kết quả cao từ thực hiện chủ trương này phải kể đến và thấy rõ nhất là ở ngành Dệt May.
4 năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong khối như Bưu điện, Ngân hàng, Điện lực, Dầu khí, Hóa chất và các đơn vị hành chính như Công an, Viện kiểm sát, Hải quan đều ưu tiên dùng hàng VN và đã đặt ngành Dệt May Việt Nam may đồng phục cho ngành. Đại diện Tổng công ty dệt may HN cho biết, với chủ trương này đã tạo cho các doanh nghiệp có sự bứt phá về thị trường. Kết hợp với việc làm chủ về công nghệ từ sợi, vải, thiết kế đến may, Ngành đã tạo ra chuỗi giá trị. Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới Việt Nam sẽ tăng từ 1 tỷ mét vải lên 2 tỷ mét vải. Với một thị trường 90 triệu dân như Việt Nam, các doanh nghiệp cho rằng, hết năm nay họ sẽ bước ra khỏi khó khăn: “Sau khi khủng hoảng kinh tế thì tồn kho là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay khi mà các doanh nghiệp liên kết với nhau thì sẽ giảm bớt được rủi ro và đây cũng là thị trường rất lớn. Một năm, các ngành như cao su, ngành mỏ, điện, dầu khí đều là những ngành có khả năng tiêu thụ sản phẩm đồng phục và bảo hộ lao động rất nhiều”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng công ty dệt may HN cho biết.
Cùng quan điểm, Ông Hoàng Việt Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN chia sẻ: “Cuộc vận động này đã làm cho ngành Dệt May ngày càng phát triển, chúng tôi đã nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa và cung cấp được rất nhiều sản phẩm của VN ra thị trường. Hiện nay đối với ngành hàng xuất khẩu của chúng tôi đã đi được từ gia công sang FOB rồi ODM, tức là từ sản xuất ra vải đến tự thiết kế để cung ứng cho thị trường xuất khẩu, thì thị trường nội địa cũng là cơ sở để chúng ta phát triển”.
Xi măng Bút Sơn hiện mỗi năm sản xuất được 2,4 triệu tấn clinker và 3 triệu tấn xi măng. Với 8 doanh nghiệp, có thể sản xuất cả clinker và xi măng đã giúp Tổng công ty xi măng VN từ năm 2010 đến nay không còn phải nhập khẩu bất cứ nguyên liệu đầu vào nào. Với 16 triệu tấn clinker mỗi năm, VN hiện còn tham gia xuất khẩu. Đây chính là kết quả của hơn 4 năm triển khai cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. Xi măng hiện là ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao trong khối trên. Tại công ty xi măng Bút Sơn chỉ còn 2 dây chuyền tự động hóa là phải nhập khẩu. Gần như tất cả các chi tiết bộ phận phi tiêu chuẩn đều được ngành xi măng sử dụng sản phẩm trong nước thay thế. Xi măng VN hiện có giá rẻ nhất thế giới vì chủ động được đầu vào. Những giải pháp liên kết từ bên trong còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí rất lớn mỗi năm.
Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xi măng VN thì các biện pháp nâng cao năng lực là tổ chức sản xuất bằng cách phối hợp với các nhà cung ứng dịch vụ trong nước để tiêu thụ sản phẩm. Để giảm chi trong sản xuất, thì 2 năm gần đây Tổng công ty đã tiết kiệm được từ 300 tỷ - 400 tỷ đồng. Để làm được việc đó thì Tổng công ty đã phải có kế hoạch rất cụ thể và chi tiết. Đó là những phụ tùng như: băng tải, động cơ, các thiết bị rồi vật tư thay thế và các nguyên liệu... đều phải tính toán kỹ và hướng tới dùng trong nước.
Sau hơn 4 năm thực hiện, trên cơ sở kết quả đã đạt được, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, chủ trương người Việt dùng hàng Việt phải tiếp tục được cụ thể hóa từ những doanh nghiệp trong khối Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương khẳng định: “Đi đôi với việc động viên khen thưởng rồi biểu dương những đơn vị thực hiện tốt thì cũng sẽ kiểm tra, giám sát, chỉ đạo những đơn vị chưa thực hiện triệt để chủ trương này. Trên cơ sở đó căn cứ vào quy định trong xử lý cán bộ, đảng viên để nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt hơn. Nếu thực hiện tốt được chủ trương này thì theo tôi sẽ giúp được các doanh nghiệp trong nước kể cả doanh nghiệp của Nhà nước cũng như là doanh nghiệp tư nhân khôi phục được sản xuất”.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau hơn 4 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khối doanh nghiệp Trung ương đã có hơn 2.000 công trình, sản phẩm mới được thực hiện. Tính đến nay, có 23/34 Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng, đơn vị trong khối đã triển khai thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết thông qua các hợp đồng, biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược hai bên, ba bên và nhiều bên nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Tỷ lệ nội địa hóa có đơn vị đạt mức 90%, ví dụ như Tập đoàn Dầu khí, Xăng dầu, Điện lực, Than - khoáng sản, Hóa chất, Cao su...
Hiện nay, khối các doanh nghiệp trung ương có 34 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng. Do nắm giữ các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia, như: Điện, than, dầu khí, xăng dầu, khoáng sản, vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, bưu chính viễn thông, dệt may, lương thực v.v... cho nên kết quả của hơn 4 năm thực hiện chủ trương hàng Việt có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Hàng năm, khối doanh nghiệp trung ương đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách, 33% tăng trưởng GDP và đảm bảo việc làm cho 1,3 triệu lao động.
Cuộc vận động cũng đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, coi đó là việc thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
Hùng Lê (ARID)