Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn Khu vực đã thực hiện được 150 đề án khuyến công, tăng 23 đề án so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, khuyến công quốc gia 20 đề án (tăng 5 đề án); khuyến công địa phương 130 đề án (tăng 18 đề án). Tổng kinh phí khuyến công toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên thực hiện là hơn 13,4 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 30,8% kế hoạch năm; trong đó, khuyến công quốc gia 3,950 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 27,1% kế hoạch năm; khuyến công địa phương 9,5 tỷ, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 32,7% kế hoạch năm. Một số tỉnh đã triển khai, tổ chức có hiệu quả các lớp tập huấn, đào tạo nghề và đào tạo khởi sự, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chương trình sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm; phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin...
Một số chương trình, đề án khuyến công triển khai gặp khó khăn do kinh phí hỗ trợ còn quá thấp, chưa đạt mức tối đa theo quy định, trong khi vốn đầu tư của các DN khá lớn, đến hàng tỷ đồng như hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới để nhân rộng mô hình.
Theo Báo cáo tại Hội nghị Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 10/6/2016, hoạt động sản xuất công nghiệp của Khu vực có mức tăng trưởng khá; cơ cấu nội bộ công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần... Tuy nhiên, với tình hình thị trường còn nhiều yếu tố bất ổn, ngành công nghiệp của Khu vực tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chưa bền vững, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại có cải thiện nhưng còn chậm, dẫn đến năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh doanh chưa cao, ...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trong Khu vực cần tập trung các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, gắn phát triển và xây dựng nông thôn mới với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Thực hiện có hiệu quả các đề án Khuyến công đã được phê duyệt theo kế hoạch đề ra.
KH. ARID