Sau khi Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, hoạt động KC của tỉnh Bạc Liêu không ngừng được phát triển, không ít chương trình KC được triển khai, bước đầu tạo tiền đề phát triển sản xuất công nghiệp (SXCN)-tiểu thủ công nghiệp (TTCN); khôi phục và phát triển một số nghề và làng nghề truyền thống, du nhập các ngành nghề mới.


Quản lý tốt hoạt động khuyến công (KC)

Với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, Sở Công Thương Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích, ưu đãi phát triển công nghiệp địa phương như: Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp-TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; danh mục các sản phẩm ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2008-2012, tầm nhìn đến năm 2020; đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN đến năm 2020; kế hoạch khôi phục và phát triển một số nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến năm 2020…


Đặc biệt, từ tháng 11/2006 Trung tâm KC được thành lập (trực thuộc Sở Công nghiệp), có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chương trình KC trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, hoạt động KC dần ổn định và được triển khai với nhiều nội dung sát thực, đi vào chiều sâu, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm cho các hoạt động KC được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Ngoài ra, để đưa chính sách KC đến với cuộc sống người dân, Trung tâm KC đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hiệp hội ngành nghề,… để thông tin, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về chương trình KC… Nhờ vậy, việc triển khai các hoạt động KC đến các thành viên của các tổ chức này đạt kết quả khả quan.


Tuy nhiên, do biên chế và ngân sách dành cho hoạt động KC còn hạn chế, nên việc tạo dựng hệ thống KC viên và cộng tác viên cấp huyện, xã còn gặp nhiều bất cập, đặc biệt là công tác quản lý hành chính nhà nước và triển khai các hoạt động KC tại địa bàn chủ yếu vẫn dựa vào sự phối hợp với các phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện và phòng kinh tế của thành phố.


Làm tốt công tác KC - diện mạo nông thôn mới (NTM) được mở ra


Giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí KC thực hiện là 6 tỷ 788,9 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 2 tỷ 768,9 triệu đồng; nguồn vốn từ Trung ương thông qua các đề án KC quốc gia là 4 tỷ 020 triệu đồng. KC đã khuyến khích đầu tư SXCN-TTCN của tỉnh, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị SXCN nông thôn.


Các hoạt động KC chủ yếu tập trung vào: Công tác đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường. Điển hình là công tác đào tạo nghề, truyền nghề đã tập trung vào một số ngành nghề chính như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí gia công sản xuất, sửa chữa máy móc, nông cụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; sản xuất các sản phẩm TTCN tại các làng nghề truyền thống; đào tạo, nhân cấy nghề để hình thành nghề mới và làng nghề tại các vùng có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu và lao động. Các đề án đào tạo nghề được gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, do đó hầu hết lao động nông thôn đều có việc làm ổn định sau đào tạo, góp phần thực hiện thành công chủ trương “ly nông bất ly hương” và góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

 

Ngoài ra, hoạt động KC còn góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, thị trường và lao động tại mỗi vùng, mỗi địa phương để phát triển công nghiệp nông thôn. Đa số các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có những ngành, những sản phẩm tiêu biểu có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, hoạt động KC còn tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại như: khuyến khích cơ giới hóa sản xuất TTCN để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; đầu tư xử lý nước thải trong sản xuất CN-TTCN; hoạt động KC không chỉ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư SXCN ở địa bàn nông thôn theo hướng chung mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, phương thức quản lý mới, thiết bị hiện đại vào sản xuất; giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và gia tăng giá trị SXCN, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Đến nay, có thể nói chặng đường triển khai mô hình xây dựng NTM ở Bạc Liêu đã bước đầu gặt hái thành công, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực chỉ đạo của cán bộ các cấp; công tác dân vận được coi trọng, từ đó đã tạo sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân làm nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào xây dựng NTM. Ngoài những đổi mới căn bản về diện mạo, cơ sở hạ tầng nông thôn, cái được lớn nhất của Bạc Liêu là đã hình thành được mô hình sản xuất tiêu biểu, có sức lan tỏa và nhân rộng cao. Thông qua các mô hình kỹ thuật tiên tiến, người dân được tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, thay đổi tập quán sản xuất cũ. Đó, là nền tảng cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm hiệu quả, bền vững, là dấu ấn đẹp để lại đối với công tác KC trong việc góp phần mang lại thành công trong công cuộc xây dựng NTM ở Bạc Liêu. 



CTV Khuyến công