Nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch, đồng thời thực hiện tốt chương trình khuyến công, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận luôn nghiêm túc triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu, tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời gỡ khó cho đối tượng thụ hưởng.


Năm 2017, khuyến công Bình Thuận được giao 2,4 tỷ đồng kinh phí khuyến công, thực hiện 15 đề án và 2 chương trình khác. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 6 đề án với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, khuyến công địa phương thực hiện 9 đề án và 2 chương trình khác với tổng kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh và chương trình chế biến hàng xuất khẩu, khuyến công Bình Thuận còn dành kinh phí thực hiện một số đề án có nội dung hỗ trợ mới, như: Chế biến muối tinh sấy, sản xuất nước tương và hỗ trợ dành cho các sản phẩm chế biến từ quả thanh long- một trong những đặc sản của tỉnh.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công Bình Thuận (Trung tâm), các đề án trước khi ký hợp đồng và triển khai đều được đánh giá kỹ lưỡng khả năng thực hiện của đối tượng thụ hưởng; các đề án có sự thay đổi về nội dung cũng được điều chỉnh kịp thời; chấm dứt hỗ trợ với các đề án không còn nhu cầu.

Đặc biệt, để nắm rõ tiến độ các đề án, Trung tâm luôn thực hiện kiểm tra định kỳ các đề án đang triển khai. Cùng đó, Trung tâm cũng đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Với chuyên đề “Xây dựng chiến lược kinh doanh”, khóa đào tạo nhằm giúp các cơ sở tiếp cận với những kiến thức từ cơ bản đến hoàn chỉnh trong việc hoạch định, lựa chọn và thực hiện chiến lược kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đào tạo nâng cao năng lực cũng là nội dung điểm của khuyến công Bình Thuận những năm qua. Từ năm 2015 tới nay Trung tâm đã tổ chức 6 lớp đào tạo với 253 học viên. Các khóa đào tạo đã thu hút được đông đảo sự tham gia của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Các khóa đào tạo đã cung cấp cho các doanh nghiệp kiến thức chuyên sâu về từng vấn đề cơ bản trong quản trị doanh nghiệp như: Marketing, tính chi phí, sổ sách kế toán, quản trị nhân sự, quản lý dây chuyền sản xuất. Từ đó, giúp doanh nghiệp ứng dụng được các phương pháp và kỹ năng quản trị, thực hiện các giải pháp thực tế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý của khuyến công Bình Thuận hiện đang gặp một số khó khăn. Việc triển khai các lớp đào tạo chuyên đề rất khó khi doanh nghiệp tham gia không nhiều; kinh phí thuê giảng viên quá ít (chi phí thuê giảng viên là tiến sỹ là 1,2 triệu đồng/ngày và giảng viên cao cấp là 1,6 triệu đồng/ngày); việc ký kết hợp đồng và lập hồ sơ chứng từ thanh quyết toán phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

Để khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm đã chủ động rà soát và khảo sát nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực của các cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt là các ngành nghề đặc trưng của tỉnh; đưa nội dung chương trình, lý lịch khoa học của giảng viên lên website của Trung tâm, giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc tìm hiểu thông tin của khóa đào tạo; xây dựng và tổ chức các đề án đào tạo với những chuyên đề thiết thực theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Song song với việc bám sát nhằm bảo đảm tiến độ các đề án và hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận đã tổ chức khảo sát, hướng dẫn các cơ sở xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2018.


TBT