Được biết, HTX Tân Hoà Bình là một trong những đơn vị nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hoạt động khuyến công tỉnh Phú Yên, xin Ông cho biết cụ thể về điều này?
Vào cuối năm 2002 đầu năm 2003 HTX đã được chương trình khuyến công của tỉnh Phú Yên hỗ trợ 15 triệu đồng để sử dụng nguyên liệu mới (bẹ chuối) vào sản xuất hàng xuất khẩu, đây là lần đâu tiên HTX nhận đuợc sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công.
Tiếp đến, từ năm 2004 - 2009 HTX đã thường xuyên được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Phú Yên (TTKC) hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu mở rộng sản xuất của HTX. Trong vòng 5 năm đã có 734 lao động ở 8 xã của 3 huyện trên địa bàn tỉnh được dạy nghề và trở thành các điểm sản xuất vệ tinh của HTX
.Đặc biệt, vào 30/6/2010 TTKC đã hỗ trợ cho HTX xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật kết hợp nhiều loại nguyên liệu để tạo ra sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tổng kinh phí cho dự án là hơn 5 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ 143 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, HTX đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm nội thất kết hợp giữa nguyên liệu gỗ, lục bình, mây và bẹ chuối, hiện nay sản phẩm này rất được ưa chuộng và tiêu thụ tốt trên thị trường. Và cuối năm 2010, HTX cũng đã được TTKC hỗ trợ có thu hồi 280 triệu đồng để đầu tư thiết bị cho mở rộng sản xuất.
Vậy Ông nhận định như thế nào về vai trò của công tác khuyến công đối với sự phát triển của Tân Hoà Bình nói riêng và của các DN, CSSX công nghiệp nông thôn nói chung?
Qua những gì Tân Hoà Bình đã nhận được và làm được từ sự hỗ trợ của công tác khuyến công tôi có thể khẳng định rằng chương trình khuyến công là điểm tựa vững chắc cho các DN, CSSX công nghiệp nông thôn phát triển. Có thể lấy ngay Tân Hoà Bình là một ví dụ, nếu như vào năm 2002, 2003 không có 15 triệu đồng hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công thì đến nay chưa chắc đã có sản phẩm được sản xuất từ bẹ chuối và HTX chưa chắc đã có nguồn thu khá lớn từ loại sản phẩm này như bây giờ. Đó là chưa kể tới biết bao người dân có thu nhập từ việc bán nguyên liệu cũng như gia công loại sản phẩm này.
Hơn nữa, theo tôi một trong những điều cực kỳ cần thiết mà hoạt động khuyến công đã làm được cho Tân Hoà Bình cũng như cho các DN, CSSX công nghiệp nông thôn khác là đã đào tạo và xây dựng được nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng. Chúng ta cũng biết, người lao động khu vực nông thôn tay nghề cũng như ý thức lao động đều chưa đạt yêu cầu trong khi đó yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày một cao nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề có chất lượng là một trong những sự hỗ trợ rất thiết thực cho các DN, CSSX.
Xin Ông chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai và thụ hưởng lợi ích từ chương trình khuyến công như Tân Hoà Bình đã và đang làm được?
Trước hết, để được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động khuyến công DN, CSSX phải tập trung nghiên cứu những quy định về đối tượng cũng như nội dung hỗ trợ để xác định được chính xác nhu cầu cũng như mức đề nghị hỗ trợ của mình. Sau đó lập kế hoạch chi tiết và cụ thể phương án đề nghị hỗ trợ từ chương trình khuyến công.Trong quá trình triển khai và nghiệm thu đề án chắc chắn sẽ có rất nhiều thủ tục phải hoàn thành do đó hãy nhờ tới sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công để mọi thủ tục cần thiết được giải quyết một cách nhanh chóng và dễ dàng…
Xin chân thành cảm ơn Ông!
Bảo Ngọc (thực hiện)