Nhiều đề án được triển khai
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên (Trung tâm) đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh. Các đề án đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Tiêu biểu, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương hỗ trợ Công ty TNHH Hoàng Ánh (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) thực hiện đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung. Hệ thống thiết bị có tổng giá trị 1,59 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 234 triệu đồng giúp doanh nghiệp đầu tư thiết bị DMC line 4 trong dây chuyền sản xuất.
Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, máy móc được đầu tư là những thiết bị tiên tiến, tính tự động cao đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí. Dây chuyền sản xuất của đề án đã hoạt động ổn định, bình quân đạt từ 1,2 - 1,6 vạn viên gạch/ngày, dây chuyền có thể đạt tối đa công suất thiết kế từ 8-10 triệu viên/năm.
Trung tâm cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí cho Công ty TNHH Hải An (thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng) đầu tư hệ thống máy rang, xay cà phê hiện đại công suất 100kg/mẻ. Hệ thống có tổng giá trị đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng và được nhập khẩu phụ tùng từ Italia. Trước đó, Trung tâm đã hỗ trợ Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh giúp tìm kiếm thêm đơn hàng, thị trường.
Theo ghi nhận chung từ đối tượng thụ hưởng, các đề án được triển khai đã đạt hiệu quả giúp cơ sở tăng năng suất lao động, tăng doanh thu. Đặc biệt, các đề án đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là với lao động là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Thiện - Phụ trách phòng Khuyến công - Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Điện Biên, công tác khuyến công còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Bình quân mỗi năm khuyến công địa phương của Điện Biên chỉ được bố trí khoảng 500 triệu đồng, năm 2015 còn không bố trí được kinh phí.
Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ
Nhằm phát huy hiệu quả đã đạt được và bớt một phần khó khăn về kinh phí cho công tác khuyến công, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh đến năm 2020 với tổng nguồn kinh phí thực hiện khoảng 23,650 tỷ đồng. Trong đó, Tỉnh dành 7,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 30 cơ sở CNNT đầu tư, cải tiến và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; dành 950 triệu đồng phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ dành khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ đào tạo, truyền nghề;11,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển cụm, điểm công nghiệp; 1 tỷ đồng cho công tác tư vấn và hỗ trợ các dịch vụ tư vấn…
Các đề án sẽ được ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề: Công nghiệp chế biến nông –lâm-thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu thay thế cho hàng nhập khẩu; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp… Đề án cũng được ưu tiên triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao và các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới…
Để Chương trình khuyến công tỉnh đến năm 2020 được triển khai thuận lợi, ngoài việc tạo nhiều cơ chế ưu đãi, Điện Biên sẽ cân đối và bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm; lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác nhằm tìm kiếm thêm nguồn lực; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công…
BẢO NGỌC