Một trong các nhiệm vụ cụ thể đã được Chính phủ yêu cầu thực hiện nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đó là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.


Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương, tính đến tháng 12 năm 2016, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2016 được phê duyệt (bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) của 63 tỉnh, thành phố là 230,9 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: KCQG được giao là 103,7 tỷ đồng/251 đề án, chiếm 44,9% tổng kinh phí, tăng 2,2% so với kế hoạch năm 2015. KCĐP, kinh phí được giao là 127,2 tỷ đồng, chiếm 55% tổng kinh phí, tăng 9,7% so với kế hoạch năm 2015.


Thời gian qua, hoạt động khuyến công được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động  khuyến công cụ thể, rõ ràng  phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và được đánh giá cao, như: Đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp…  Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ...


Tuy nhiên, công tác khuyến công hiện nay cũng được đánh giá còn có những hạn chế: Số cơ sở CNNT đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với số lượng, tình hình hoạt động CNNT; còn nhiều cơ sở CNNT chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công. Nhiều cơ sở CNNT chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ; chưa có các đề án khuyến công mang tính liên tỉnh, liên vùng, có tính lan tỏa cao; kinh phí bố trí cho công tác khuyến công còn hạn chế. Hoạt động khuyến công chưa huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước...


Với vai trò, nhiệm vụ của công tác khuyến công, để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy được các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tích cực đầu tư vào phát triển CNNT, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở các địa phương, phát triển bền vững, thì các đơn vị, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cần tích cực đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công; căn cứ tình hình thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn  triển khai, thực hiện những nội dung hoạt động khuyến công cụ thể nhằm hỗ trợ một cách thiết thực. Cần xây dựng, lựa chọn những đề án khuyến công phát triển ngành nghề có tiềm năng và lợi thế so sánh; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm,... Đồng thời, phối hợp giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công.


Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất lao động thông qua việc hỗ trợ đầu tư máy móc, công nghệ, đào tạo nghề… Đây là trách nhiệm của hoạt động khuyến công. 


KC.