Dành nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, khuyến công Long An đã góp sức không nhỏ nâng cao giá trị hàng nông sản của Tỉnh.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An (Trung tâm) đã hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) thanh long Long Trì và Công ty TNHH MTV Hương vị trái cây Việt thuộc huyện Châu Thành thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sơ chế trái thanh long". Hai đề án có tổng kinh phí thực hiện trên 505 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 225 triệu đồng cho các đơn vị thụ hưởng đầu tư máy rửa thanh long.

Máy rửa thanh long của Công ty TNHH MTV Hương vị trái cây Việt có công suất 3 tấn/giờ, khi đi vào hoạt động đã giúp tiết kiệm được khoảng 70% chi phí lao động cho khâu rửa. Dây chuyền sơ chế trái thanh long của HTX thanh long Long Trì có công suất nhỏ hơn với 2 tấn/giờ, tiết kiệm khoảng 50% chi phí lao động. Theo đánh giá hiệu quả sau đầu tư, cả 2 hệ thống máy đều tiết kiệm nước, tiết kiệm lao động góp phần làm giảm áp lực khan hiếm nhân lực và chi phí sản xuất. Thanh long qua khâu sơ chế đã loại bỏ được tạp chất, bớt một phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật qua đó tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với mặt hàng gạo, Trung tâm cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí (200 triệu đồng) cho doanh nghiệp tư nhân Hiệp Lực đầu tư  ứng dụng máy phân loại màu hạt gạo, công suất 9-15 tấn/giờ vào quá trình chế biến gạo thành phẩm. Theo đó, gạo nguyên liệu nhập từ kho chứa được đưa vào thiết bị tách tấm, đưa qua máy phân loại màu, cuối cùng được đưa vào máy lau bóng thành gạo thành phẩm.

Đây là 3 trong tổng số 7 đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được Trung tâm triển khai trong năm vừa qua. Theo ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng, các đề án đã phát huy tốt hiệu quả, giúp doanh nghiệp, cơ sở cải thiện sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Long An, công tác khuyến công trên địa bàn Long An còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số yếu tố đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai và hiệu quả đề án hỗ trợ đổi mới thiết bị, máy móc trong sản xuất. Cụ thể, một số quy định trong chính sách khuyến công trong một vài trường hợp chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nên khó mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đơn cử, nội dung hỗ trợ ứng dụng thiết bị mới vào sản xuất quy định đối tượng thụ hưởng phải đầu tư máy mới 100%, trong khi nguồn máy nhập khẩu đã qua sử dụng có giá thành rẻ hơn, độ chính xác cao, bền và tiêu thụ điện năng ít hơn, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp lại không được hỗ trợ. Hơn nữa, thời gian từ lúc thu thập thông tin, tiếp cận cơ sở xây dựng, trình thẩm định, ra quyết định phê duyệt, triển khai thực hiện và quyết toán các đề án khuyến công quá dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ và tính khả thi của đề án.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Long An, để phát huy hơn nữa hiệu quả các đề án khuyến công, trong thời gian tới Long An sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc thù thông qua việc hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho các cơ sở tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tư vấn thông tin về công nghệ - thiết bị sản xuất, sản phẩm, thị trường cho các cơ sở nghiên cứu định hướng đầu tư…


Phạm Kim