Năm 2012, khu vực phía Bắc có 33.109 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm 5.838 DNNVV so với năm 2011, trong đó: Thành lập mới: 1.258 doanh nghiệp; Giải thể, phá sản: 1.721 doanh nghiệp; Đăng ký ngừng hoạt động: 675 doanh nghiệp.


Năm 2012, với tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ các tỉnh phía Bắc là gần 34,5 tỷ đồng. Các địa phương đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, làng nghề, trong đó tập trung vào các sản phẩm như: may công nghiệp; chế biến thủy hải sản; vật liệu xây dựng; cơ khí; lương thực, thực phẩm; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp… góp phần phát triển CNNT.

 

Chú trọng công tác khuyến công

 

 Năm 2012, công tác khuyến công, xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh trong khu vực. Các địa phương đã hỗ trợ nhiều DN phát triển công nghiệp nông thôn; áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ứng dụng công nghệ mới; sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Tuy nhiên, khó khăn nhất ở các DN hiện nay là tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động qua đào tạo. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề cho lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các DN, một số DN phải thu hẹp sản xuất, gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ đầu tư các dự án mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, một số tỉnh trong vùng có địa hình đi lại phức tạp, nên quá trình triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn… gặp nhiều khó khăn.

 

Đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng

 

Để duy trì tốc độ tăng trưởng, từng bước tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại của DN, các địa phương cần tranh thủ tối đa vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng. Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án kế hoạch khuyến công đã được phê duyệt, giúp DN và cơ sở sản xuất khai thác tốt năng lực sản xuất, khuyến khích cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ công nghiệp nông thôn phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các DN đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam“; khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa và các khu cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNNVV; công khai quy hoạch, quy trình, thủ tục tiếp cận đất đai; cần có cơ chế ưu đãi (về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) nhằm khuyến khích các DN đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp dành cho DNNVV. Tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết các tỉnh trong vùng, đặc biệt coi trọng các lĩnh vực như: cung cấp thông tin về thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại; xuất nhập khẩu hàng hoá .

 

Nguyễn Hà