Thực hiện chủ đề công tác năm 2014 đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã đóng trên địa bàn xây dựng nhiều đề án thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.


Triển khai Quyết định số 9850/QĐ-BCT ngày 23/12/2013 của Bộ Công Thương về giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2014, Khuyến công Quảng Ninh được giao 03 đề án, với tổng kinh phí thực hiện 530 triệu đồng; Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 12/5/2014 của UBND tỉnh về việc phân khai kinh phí khuyến công, dự toán ngân sách tỉnh năm 2014, với số kinh phí 1.000 triệu đồng cho 13 đề án. Mặc dù kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn hạn hẹp, nhưng với sự sâu sát của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Quảng Ninh đã được tiếp cận với nguồn kinh phí hỗ trợ này. Trong đó, có những dự án như hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đào tạo nghề... tiếp tục phát huy hiệu quả, phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt thông qua Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã phường một sản phẩm”, nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, dược liệu như: Sản xuất gốm sứ mỹ nghệ và gốm sứ dân dụng siêu mỏng của Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh; sản xuất và chế biến dược liệu của Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc; sản xuất và chế biến chè Đường Hoa của Hộ kinh doanh Phạm Văn Khiêm - huyện Hải Hà...

Qua sự hỗ trợ kịp thời của nguồn kinh phí khuyến công tới các doanh nghiệp, năng suất lao động đã không ngừng tăng lên, sản phẩm làm ra đã tiêu thụ được nhiều hơn so với thời gian trước. Đồng thời, thu nhập bình quân của người lao động cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Để hoạt động khuyến công thực sự bám sát và đồng hành cùng doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao, Khuyến công Quảng Ninh tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa. Theo đó, cần tập trung rà soát các cơ chế chính sách, tham mưu cho tỉnh bổ sung, sửa đổi những vấn đề mới cho phù hợp với thực tế. Loại bỏ những thủ tục không cần thiết, điều chỉnh theo hướng đơn giản, để doanh nghiệp, hộ sản xuất có thể tiếp cận một cách dễ dàng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đồng thời cần mời gọi, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư ở các doanh nghiệp. Để làm tốt nội dung này, công tác tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần được nâng cao, hình thức tuyên truyền phải được đổi mới để doanh nghiệp nắm bắt được những chính sách ưu đãi, những nội dung được hỗ trợ và trình tự, thủ tục đề nghị được hưởng hỗ trợ; đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xác định sản phẩm chủ lực để định hướng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy thế mạnh của doanh nghiệp. Song song với việc hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp thì công tác xúc tiến thương mại cùng doanh nghiệp cũng là nội dung rất quan trọng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với thị trường, người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đồng thời phát huy vai trò của doanh nghiệp. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ là động lực và là sức mạnh để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2014, theo tinh thần Nghị quyết số 10- NQ/TU ngày 05/12/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Lê Hằng