Đào tạo nghề, truyền nghề
Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) đã triển khai nhiều đề án về đào tạo nghề, truyền nghề và khôi phục nghề cho các làng nghề trên địa bàn. Qua đó, nhiều làng nghề không những được duy trì và còn nhân cấy được nghề mới; số lượng lao động nông thôn có việc làm, có thu nhập tăng lên hàng năm.
Nhằm góp phần ổn định sản xuất của các cơ sở CNNT, Trung tâm đã bám sát vào các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong việc công nghiệp hóa CNNT để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích như đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động tại các cơ sở CNNT, đặc biệt, Trung tâm đã gắn đào tạo với sản xuất, ưu tiên khuyến khích đào tạo đúng địa chỉ. Chính những kết quả đạt được trong hoạt động khuyến công địa phương đã trở thành động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp CNNT trên địa bàn. Cũng nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân và tạo ra bộ mặt nông thôn mới hiện đại hơn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên, một trong những biện pháp được Trung tâm triển khai hiệu quả nhất là đào tạo nghề cho người lao động nông thôn dựa trên tiềm năng và phát huy những thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Tính đến nay, hoạt động khuyến công địa phương ở Thái Nguyên đã đào tạo nghề và tạo việc làm cho trên 14 nghìn lao động nông thôn; nhân cấy nghề mới, khôi phục làng nghề; nâng cao tay nghề cho lao động tại các doanh nghiệp.
Từ năm 2008 đến 2013, Khuyến công Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 54 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng cho gần 5.000 lao động tại các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung vào các nghề như: May công nghiệp, sản xuất và chế biến chè, nghề mộc, cơ khí… Tính riêng năm 2013, Khuyến công Thái Nguyên đã đào tạo gần 1.000 lao động cho nghề may và chế biến chè.
Thông qua các chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu và đúng địa chỉ, sau khi người lao động được đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, đồng thời người lao động được nhận vào các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp CNNT và có thu nhập ổn định. Đây cũng là một trong những thành công của Khuyến công Thái Nguyên trong việc góp phần phát triển CNNT cũng như đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Hỗ trợ đắc lực cho cơ sở CNNT
Trong 87 đề án mà Khuyến công Thái Nguyên triển khai từ ngày bắt đầu hoạt động đến nay thì có tới 49 đề án là về “Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại”, đây chính là động lực là đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị.
Ông Phan Bá Trường –Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương mà trong số 49 đề án Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến bảo quản chè, chế biến lâm sản.
Cụ thể, trong chế biến chè, Trung tâm đã phối hợp với các Hộ kinh doanh như: Hà Duy Quyết, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên; Công ty cổ phần tổ hợp CEO Việt Nam, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; Hộ kinh doanh Trần Văn Thái, Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; Hộ kinh doanh Tạ Cao Sơn, xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Thanh Trà, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương... Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ kinh phí xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm CNNT tại "Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc tại tỉnh Yên Bái; Lào Cai; Hưng Yên, Hà Nam...
Về hoạt động chế biến lâm sản, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các doanh nghiệp CNNT như: Công ty TNHH Vạn Lâm Phú, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương;Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sản, thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên; Hộ kinh doanh Hoàng Thị Phương, thôn Giã Trung, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên; Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Chinh, xóm Na Hiên, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương... Những hỗ trợ đắc lực của Khuyến công Thái Nguyên đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư hoàn thiện dây chuyền và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sẽ tổ chức giới thiệu phổ biến nhân rộng mô hình nhằm phát triển các ngành nghề sản xuất có thế mạnh, tạo việc làm, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, Khuyến công Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, Khuyến công Thái Nguyên còn tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
ARID