Thời gian vừa qua, nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã lồng ghép vào các nội dung khuyến công để thực hiện trên nền tảng có sẵn của địa phương để phù hợp hơn với người dân.


Những nội dung này bước đầu hướng dẫn người dân các cách thức chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch, quy hoạch và phát triển các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Bên cạnh đó, các chương trình liên kết người dân với doanh nghiệp, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con cũng đã có kết quả nhất định.

 

Phát triển sinh kế cho người dân là mục tiêu mang tính dài lâu của các chương trình xóa đói giảm nghèo trong đó việc tăng cường năng lực sản xuất của cộng đồng là việc quan trọng nhất. Nhiều vùng, miền có cây, con đặc trưng là thế mạnh cần phát huy, nhưng thực tế chỉ dừng ở mức tự sản tự tiêu mà không có sự gia tăng giá trị hàng hóa.  Vì vậy, bước đầu của việc phát triển sinh kế cho người dân là việc tăng cường thông tin sản xuất, thị trường cho cộng đồng. Phương thức sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn, những cách chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch được áp dụng sẽ mang lại cơ hội thoát nghèo cho người dân một cách bền vững.


Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 được đánh giá là một dự án thành công với kết quả người dân hài lòng từ 70-80%, phát triển các ngành nghề truyền thống với cách thức mới mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng.


Nhiều năm nay các địa phương miền núi phía Bắc như Yên Bái, đã chủ động kết hợp công tác khuyến công và các dự án xóa đói giảm nghèo được thực hiện tại địa phương. Đến thời điểm hiện nay, ngân sách tỉnh đã bố trí hàng năm cho công tác khuyến công. Ưu tiên từ kinh phí khuyến công để hỗ trợ lồng ghép các dự án giảm nghèo do vậy bước đầu đã giải quyết được những vấn đề chế biến và chế biến sâu trong sản phẩm từ dự án giảm nghèo.


Ở Hòa Bình, các chương trình phát triển sản xuất cụ thể như chăn nuôi và phát triển các dự án sản xuất chè sạch được hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Điểm trọng tâm của dự án là phát triển các hoạt động chế biến sản phẩm từ các sản vật địa phương. Ông Bùi Minh Tráng, Trưởng ban Quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong định hướng của giai đoạn bổ sung, Hòa Bình định hướng đầu tư cho các hộ, xã về máy móc thiết bị để chế biến, sơ chế hoặc những cái gì có thể chế biến được nhằm nâng giá trị hàng hóa lên và mục tiêu như vậy mới có thể giảm nghèo bền vững. Hiện nay, một số hoạt động như chè, người dân tự sản xuất và liên kết ngoài ra họ sẽ bán cho doanh nghiệp để đóng gói đưa ra thị trường


 Tuy vậy, thực tế hiện nay trình độ cũng như nhận thức của người dân tại các vùng miền núi còn chưa cao. Việc áp dụng các công nghệ chế biến mới vào sản xuất không đơn giản. Quá trình này cần có một thời gian khá dài để người dân được đào tạo và làm quen với các cách làm mới.


Theo Ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư thì: Chế biến áp dụng chưa nhiều, chủ yếu chế biến bảo quản sau thu hoạch, phần công nghệ chế biến chủ yếu của doanh nghiệp. Trong quá trình đề xuất thì tăng cường năng lực cho chính họ và sản xuất hàng hóa khi họ liên kết thì doanh nghiệp đặt hàng theo quy trình sản xuất của doanh nghiệp.


Khu vực miền núi, hải đảo và các vùng miền sâu và xa còn nhiều thiếu thốn, điều kiện về cuộc sống thường ngày của người dân lẫn những khó khăn trong sinh kế. Tạo điều kiện hỗ trợ cơ hội tăng giá trị sản phẩm để phát huy thế mạnh sản phẩm địa phương là cách thức hợp lý để người dân có sinh kế ổn định. Vì vậy, trong thời gian tới các dự án xóa đói giảm nghèo cần tăng cường lồng ghép các nội dung khuyến công, phát triển thị trường để đảm bảo công tác giảm nghèo được bền vững.


CTV