Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang (Trung tâm) đang nỗ lực xây dựng các đề án điểm với quy mô và nguồn kinh phí lớn, được thực hiện trong nhiều năm trên cùng một địa bàn. Đây được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo sức lan tỏa và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khuyến công của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Tuyên Quang, từ năm 2012 - 2016 Trung tâm đã thực hiện 53 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,9 tỷ đồng. Năm 2017, Trung tâm tiếp tục được giao thực hiện 12 đề án với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí trên, Trung tâm đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất. Đến nay, chương trình khuyến công đã được triển khai tương đối đều khắp các huyện, thành phố với số lượng đề án tăng, nhiều hoạt động phong phú hơn. Nội dung các đề án phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng, kết quả đạt được phù hợp với các mục tiêu đã đề ra và hoàn thành theo đúng thời gian dự kiến.

Theo đại diện của Trung tâm, khuyến công Tuyên Quang rất sát sao trong việc phối hợp với các cơ sở CNNT nhằm xây dựng kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là cơ sở hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực có nhiều thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng của chương trình không nhiều. Nguyên do số lượng cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh ít, đa số hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh, số lượng lao động dưới 10 người; tập trung chủ yếu vào lĩnh xực xây dựng và khai thác khoáng sản thô không thuộc nội dung chương trình khuyến công hỗ trợ. Cùng đó, từ năm 2016 sau 5 năm chuyển đổi từ thị xã lên thành phố, các cơ sở trên địa bàn một số phường thuộc thành phố Tuyên Quang đã không được hưởng hỗ trợ từ chương trình khuyến công nữa. Do vậy, đối tượng thụ hưởng của khuyến công Tuyên Quang đã ít lại ngày một bị thu hẹp.

Những trở ngại trên khiến nhiều nội dung khuyến công chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Đặc biệt, chưa có nhiều đề án điểm, có quy mô, sức lan tỏa lớn được thực hiện.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tạo sức lan tỏa cho công tác khuyến công Trung tâm đã xây dựng nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt ưu tiên triển khai các đề án khuyến công điểm với quy mô lớn, gồm nhiều đề án, thực hiện nhiều nội dung trong nhiều năm trên cùng một địa bàn. Các đề án này sẽ được lựa chọn thực hiện trong các lĩnh vực, ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương, có khả năng nhân rộng và phát triển.

Trung tâm cũng sẽ rà soát và nắm chắc nhu cầu của các cơ sở CNNT theo tiến độ sản xuất kinh doanh để tư vấn, hướng dẫn lập các đề án trọng điểm. Huy động, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để có thêm nguồn lực cho các đề án này.

Cũng theo đại diện của Trung tâm, theo quy định nội dung ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất yêu cầu tính hiện đại của thiết bị tại địa bàn cấp huyện và duy nhất nên đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ rất hạn chế. Hơn nữa, địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ có 6 huyện và 1 thành phố, đa số các cơ sở sản xuất nhỏ, thiết bị lạc hậu. Do đó, để thuận lợi triển khai thực hiện các đề án điểm khuyến công Tuyên Quang đề xuất: Với nội dung ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất, yêu cầu về tính hiện đại của thiết bị áp dụng tại cấp doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn với thực tế địa phương và mở rộng được đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công.


Phạm Kim