Phát triển công nghiệp địa phương không thể mãi nhỏ, lẻ mà cần phải đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; hàm lượng khoa học kỹ thuật phải gia tăng trong mỗi sản phẩm. Điều này mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài và bền vững cho một ngành kinh tế đầy tiềm năng ở các địa phương trên đất nước ta.


Chiếm tỷ trọng đầu tư rất nhỏ của toàn ngành sản xuất công nghiệp, công nghiệp địa phương có sự đóng góp to lớn trong tổng giá trị sản xuất của ngành Công nghiệp. Giai đoạn 2005 – 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn Ngành tăng bình quân 13,77%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng bình quân 16,54%/năm, số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng bình quân 8,64%/năm, đến năm 2010 số lao động làm việc trong các cơ sở công nghiệp nông thôn chiếm 53,27% tổng số lao động của toàn ngành Công nghiệp.

 

Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và sau 5 năm thực hiện Quyết định 136/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia, hàng ngàn cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đã được hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; Hướng dẫn, tư vấn đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương thông qua các chương trình khuyến công đặc biệt là các chương trình đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm theo công nghệ mới, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường… trình độ lao động được nâng lên rõ rệt, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao và ngày càng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ được mở rộng…

 

Nhằm thúc đẩy công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển, bên cạnh việc phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, thị trường, và lao động tại mỗi địa phương, mỗi vùng thì hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn cần phải có sự đầu tư về chiều sâu cả về quy mô lẫn nội dung. Nhất là trong điều kiện hiện nay việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người là một yêu cầu trọng tâm.

 

Sản phẩm công nghiệp nông thôn giờ đây yêu cầu không chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống, đặc trưng của mỗi vùng mà còn cần phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn thực phẩm…; phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp các quy định trong nước cũng như quốc tế. Điều này mới đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận đồng thời mới mang lại nhiều cơ hội mới cho thị trường tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài.

 

Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Các nội dung đã được xác lập cụ thể, chỉ còn việc vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân… đồng bộ thực hiện để thúc đẩy công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển.

 

Cùng mục tiêu chung và hướng đến thành công, với chiến lược phát triển đúng đắn, các hành động cụ thể vượt khỏi những thách thức, khó khăn. Sự đồng bộ đổi mới đến từ từng người dân, từng doanh nghiệp, từng cấp, ngành… và chính từ sức hấp dẫn của sản phẩm công nghiệp nông thôn sẽ thu hút và thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực đầu tư vào hoạt động khuyến công và sản xuất sạch hơn. Như vậy, công nghiệp địa phương luôn có đầy đủ cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

 

KC.