Những năm gần đây, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã góp phần không nhỏ thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh phát triển, trong đó nổi bật là các hoạt động: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ khởi sự, thành lập doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất…


Những kết quả đạt được


Thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia, giai đoạn 2 Trung tâm đã triển khai tích cực công tác đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Riêng lĩnh vực đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm đã hỗ trợ tổ chức được 72 lớp với hơn 2.300 học viên là lao động nông thôn chưa có tay nghề, với các ngành nghề đào tạo, như: May công nghiệp, dệt chiếu, đan bẹ chuối… Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển CNNT, nâng cao năng lực quản lý các hoạt động khuyến công...


Công tác khuyến công được nâng cao và mở rộng hoạt động. Trung tâm đã tổ chức 08 khóa tập huấn khuyến công cho cán bộ làm công tác khuyến công, các doanh nghiệp, tổ làng nghề và các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với 145 đại biểu tham dự; tổ chức 03 lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp; thực hiện các đề án nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị mới, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề và các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai 03 đề án từ nguồn khuyến công quốc gia, gồm: Ứng dụng máy ép đùn trong dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc; hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền lau bóng gạo và đào tạo nghề may công nghiệp cho 114 học viên.


Nhằm thúc đẩy, tạo thêm động lực cho ngành sản xuất CN - TTCN phát triển, năm 2013, Trung tâm đã lập kế hoạch theo từng đề án và phối hợp các cơ quan chức năng của huyện và thành phố, thực hiện hỗ trợ 05 đề án chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, gồm: Dây chuyền sản xuất tơ xơ dừa; dây chuyền sản xuất chiếu; máy dệt len; thiết bị đóng gói kẹo đậu phộng; lò nướng bánh bằng điện. Đồng thời, triển khai đề án hỗ trợ và xây dựng nhãn hiệu và bình chọn xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long; tổ chức 08 lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp và may công nghiệp với 211 học viên.


Năm 2014, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Cục Công nghiệp địa phương và Ban Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long trong quá trình triển khai đề án khuyến công, cũng như sự tham gia nhiệt tình của các cấp chính quyền ở địa phương, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã hoàn thành 05 đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến bao gồm: Hỗ trợ máy sấy; máy đóng gói bánh tráng trộn; máy se lõi lác; máy dệt chiếu cho HTX và Tổ hợp tác tại các huyện, thị trong tỉnh, với tổng kinh phí là 280 triệu đồng.


Triển khai đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013-2015” với kinh phí ngân sách Tỉnh năm 2014 được duyệt là 805 triệu đồng, Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho 04 đơn vị  DNTN và hỗ trợ 05 đơn vị đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã xây dựng chiến lược thương hiệu; xây dựng kế hoạch tập huấn xây dựng chiến lược, quảng bá thương hiệu và tổ chức hội thảo "Xây dựng, phát triển thương hiệu – Điểm đến của các doanh nghiệp". Từ nguồn kinh phí đào tạo nghề và kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm đã tổ chức được 02 lớp đào tạo nghề đan thảm lục bình và đan dây nhựa tại HTX thuộc xã nông thôn mới, mở 12 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 367 học viên của các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó đã tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình, lao động nông thôn.


Định hướng và giải pháp thực hiện


Trong những năm tới, hoạt động khuyến công tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng cường tuyên truyền các chính sách khuyến khích phát triển CNNT, các chính sách ưu đãi đầu tư của Tỉnh đến các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT và lao động tại các địa phương; xây dựng, củng cố và hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Trung tâm. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công từ tỉnh đến các địa phương, hướng đến hỗ trợ phát triển hoạt động khuyến công chuyên nghiệp và có chất lượng hơn, phạm vi hỗ trợ rộng và toàn diện hơn. Xây dựng và tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các đề án khuyến công, thường xuyên nắm tình hình hoạt động tại các doanh nghiệp để có các biện pháp hỗ trợ thông qua các đề án, chương trình khuyến công. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương. Tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tập huấn chuyên sâu theo các chuyên đề  Phối hợp với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công; tổ chức tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, tiến đến việc liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hỗ trợ việc xây dựng các làng nghề TTCN phục vụ du lịch gắn với các điểm trình diễn theo qui hoạch của tỉnh, chú trọng hỗ trợ các làng nghề sử dụng nguyên liệu và lao động tại địa phương. Tăng cường các hình thức hợp tác về hoạt động khuyến công với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ bổ sung để nâng cao hiệu quả và qui mô hoạt động khuyến công...


Để thực hiện thắng lợi những định hướng trên, trước mắt năm 2015, Trung tâm đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp, tiếp tục huy động các nguồn lực trong, ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển CN - TTCN của tỉnh, nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN - TTCN một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; Tư vấn lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.


Những thành tích cũng như những giải pháp thực hiện của Khuyến công Vĩnh Long đã rõ ràng và cụ thể, thiết thực. Hy vọng với nỗ lực và sự quyết tâm của tỉnh, chắc chắn hoạt động khuyến công của Vĩnh Long sẽ còn hứa hẹn thu nhiều kết quả trong những năm tới.

CTV