Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã và đang có nhiều biến đổi, từ làm đất, cày cấy, gặt đập, thu hái và chế biến nông sản đều đã có sự tham gia của máy móc ngày một tăng, thay dần sức lao động thủ công và tăng hiệu quả công việc lên nhiều lần.


Tuy nhiên việc đào tạo thợ vận hành, sửa chữa các máy nông cụ này chưa theo kịp với nhu cầu đặt ra. Từ thực tế này, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Trung tâm khuyến công ở nhiều địa phương đã xây dựng đề án mở thêm lớp hướng dẫn vận hành, sửa chữa máy cho bà con nông dân. Thái Bình hiện được đánh giá là địa phương điển hình với phương pháp rất đáng được các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng.


Hai năm trước anh Nguyễn Đức Mạnh, công nhân vận hành máy liên hợp còn đang là thợ cày ruộng bằng trâu. Nghĩa là từ làm đất trồng lúa, trồng màu, gặt hái bằng thủ công, nhọc nhằn mà năng suất thấp. Nhưng giờ đây anh đã trở thành thợ máy gặt đập liên hợp, thực hiện các thao tác một cách thành thạo. Đây là kết quả học tập qua các lớp đào tạo do Trung tâm Khuyến công Thái Bình phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện. Nhờ các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến công, Sở  Công Thương đào tạo sử dụng máy nông nghiệp nên Anh và nhiều  người biết về máy.


Theo kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học: “Thực trạng và một số giải pháp sử dụng máy nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng Nông Thôn Mới” do  Trung tâm khuyến công Thái Bình chủ trì thực hiện, toàn tỉnh Thái Bình hiện có tới 28.556 máy nông nghiệp và thiết bị trong các lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy sản. Tính ra, việc sử dụng máy nông nghiệp như máy làm đất, máy gieo mạ, máy cấy, máy gặt đập liên hợp… trên đồng ruộng ở Thái Bình là khá cao so với nhiều địa phương khác.


Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình cũng tính toán, chỉ riêng việc thu hoạch lúa bằng cơ giới đã giúp cho tỷ lệ thất thoát giảm xuống chỉ còn khoảng 2 %, trong khi nếu gặt bằng tay thì tỷ lệ này là hơn 10%.


Tuy nhiên thực tế tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, tình trạng nhiều người đang cày trâu, sau khi học theo kiểu truyền tay đã mua sắm máy và vận hành chúng không qua đào tạo ở một trường lớp nào.


Và việc học vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp theo kiểu truyền khẩu như vậy cũng nảy sinh nhiều bất cập. Kiến thức về máy cơ khí nông nghiệp của người dân còn hạn chế nên khi vận hành máy cũng chưa khai thác hết được công suất. Khi máy gặp sự cố và hỏng hóc đơn giản nhưng người sử dụng vẫn không tự giải quyết được.
 Nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp ngày càng cao, nhưng phần lớn trong số  đó lại không được đào tạo cơ bản, mà học truyền tay, do đó khi sự cố xảy ra trên đồng không tự sửa chữa được, phải gọi thợ nên mất nhiều thời gian, và hơn nữa đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Bởi vậy vấn đề tăng cường đào tạo sửa chữa máy nông nghiệp cho nông dân là rất cần thiết.


Theo các cán bộ giảng dạy từ Trung tâm Khuyến công, khó khăn nhất trong công tác đào tạo, tấp huấn là trình độ nhận thức giữa các học viên không đồng đều. Thời gian tập huấn lại không thể kéo dài do kinh phí hạn hẹp, trong khi cần phải giảng giải kỹ càng về những sự cố cho người học.


Kỹ sư Phạm Sỹ Liên - Khoa Công nghệ, Trường Đại học Thái Bình cho biết: Trong quá trình tập huấn cho học viên, thực hành trên máy, chúng tôi đặt ra tình huống giả định và đề nghị những người đã vận hành máy sửa chữa, nhưng phần lớn đều lúng túng không làm được. Vận hành không đúng qui trình cũng gây ra tốn kém nhiên liệu. Đề nghị các cấp tăng cường mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật cho họ.


Thực tế Thái Bình có 286 xã phường, thị trấn thì trong đó có tới 280 xã phường thị trấn có nghề làm ruộng. Việc đưa máy móc vào các khâu cũng sẽ giúp giảm số giờ lao động làm nông nghiệp, thời gian dôi dư sẽ làm thêm nghề khác, giúp tăng thu nhập cho các hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Thái Bình hiện đang thiếu trầm trọng thợ sửa chữa máy lành nghề.


Ông Vũ Hữu Tiếp, Chủ tịch HĐND xã Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: Cả xã chúng tôi có 38 máy gặt liên hợp và các máy nông  nghiệp. Nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp sẽ còn tăng, nhưng xã lại chỉ có hai người thợ sửa máy, không đáp ứng được. Đề nghị Trung tâm Khuyến công mở thêm lớp tập huấn…


Theo Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Bình thì lâu nay chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn trong lĩnh vực này, nghĩa là phần lý thuyết sơ đẳng, về máy móc còn rất ít, thời gian dành cho thực hành rất hạn chế. Hơn nữa, việc dạy và học không chọn lọc kỹ từ đầu, thành ra khả năng tiếp nhận thông tin cũng bị hạn chế. Do đó phải xử lý từ gốc vấn đề. Cần đào tạo cho các cán bộ có năng lực, có trình độ về vận hành cho các trung tâm sửa chữa máy, để họ tiếp tục chọn đúng người trong các xã.


Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Thái Bình đã có 30 xã được Trung tâm khuyến công phối hợp mở các lớp đào tạo lao động vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp. Tính ra, nếu thực hiện với tốc độ như hiện nay, thì ít nhất cũng phải mất thêm 5 năm nữa mới có thể đạt yêu cầu 100% số xã được mở các lớp tập huấn đào tạo vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp./.


   CTV