Yên Bái là một tỉnh miền núi, công nghiệp nông thôn (CNNT) chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp. Phát triển CNNT là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nhằm triển khai chương trình khuyến công có hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt chương trình khuyến công giai đoạn 2008 - 2015 tại Quyết định số 2314/QĐ-UBND. Đến năm 2011, tỉnh Yên Bái tiếp tục phê duyệt đề án rà soát, điều chỉnh chương trình khuyến công của tỉnh  giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 29/6/2011.

Qua 5 năm triển khai chương trình khuyến công, công tác khuyến công của Yên Bái bước đầu có những thành công. Nhiều đề án phát huy hiệu quả tốt sau đầu tư, khai thác được tiềm năng tại địa bàn nông thôn, tạo việc làm thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước tăng đóng góp cho ngân sách, giải quyết tốt các vấn đề xã hội... thực sự góp phần thúc đẩy CNNT phát triển.

Giai đoạn 2011-2015, kinh phí khuyến công trên địa bàn thực hiện được 17.220 triệu đồng đạt 100,2% kế hoạch, trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương thực hiện được 9.990 triệu đồng; kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện được 7.230 triệu đồng. Các chương trình khuyến công đã hỗ trợ 165 đề án khuyến công và các hoạt động khuyến công khác. Trong đó: khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 30 đề án, khuyến công địa phương hỗ trợ cho 135 đề án và các hoạt động khuyến công khác. Việc hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.500 lao động tại địa phương, thu hút được các nguồn vốn đầu tư trên 172 tỷ đồng. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ không lớn nhưng thực sự có vai trò quan trọng trong việc động viên và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển CNNT, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các nội dung hoạt động khuyến công đặc biệt là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất đã khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp-TTCN, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất CNNT; giúp các cơ sở CNNT đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường;

Công tác khuyến công cũng góp phần hỗ trợ các cơ sở về vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện sản xuất ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường qua đó phát triển bền vững.

Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ trung ương tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, tổ chức thực hiện và góp phần làm minh bạch chính sách. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công được tăng cường một bước và dần đi vào nề nếp. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái cũng ngày càng được quan tâm đầu tư về biên chế, bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc.

Giai đoạn 2016-2020, để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công cũng như mở rộng các nội dung, Yên Bái tập trung thực hiện các giải pháp:

Xây dựng quy trình triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện cho từng nội dung hoạt động khuyến công cụ thể; Thực hiện đầy đủ 09 nội dung theo Chương trình Khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp CNNT đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; triển khai tư vấn và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả; tư vấn khởi sự doanh nghiệp, lập dự án; đào tạo nghề, truyền nghề; đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ doanh nghiệp; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp; hợp tác quốc tế về khuyến công./.

 

Ngọc Lan (Sở Công Thương tỉnh Yên Bái)