Hiện cả nước có khoảng 30% công nhân ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, trong khi các doanh nghiệp rất khan hiếm lao động có tay nghề. Điều này cho thấy, cần có sự thay đổi rõ nét trong công tác quản lý nghề, đào tạo nghề.
Việc xã hội hóa công tác dạy nghề với những cơ chế, quy định cụ thể hơn, được thực hiện chặt chẽ sẽ cho “ra lò” những lao động có chất lượng thực sự. Những quy định được đánh giá là mở rộng nhất chính là các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia mở các lớp đào tạo nghề sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Học viên có nhiều cơ hội để thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian qua việc đào tạo nguồn nhân lực dựa trên mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước đã có những thành công và cần tiếp tục phát huy.Doanh nghiệp là người quản lý lao động, sử dụng lao động, nên doanh nghiệp biết rõ công nghệ sản xuất của mình cần những kỹ năng nào cho phù hợp. Trên cơ sở này, doanh nghiệp mới định hướng được nhu cầu đào tạo và tuyển dụng lao động, vì vậy các doanh nghiệp trong nước hay những tập đoàn kinh tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cần được khuyến khích và hỗ trợ trong việc đào tạo nghề.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho rằng, mặc dù Luật Dạy nghề đã cho phép doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động đào tạo nghề nhưng luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế chính sách để khuyến khích hỗ trợ. Nếu có chính sách hỗ trợ tốt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nền kinh tế, bởi thiết bị máy móc có sẵn của doanh nghiệp sẽ là môi trường thực hành tốt nhất cho các học viên.Về vấn đề này, ông Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam khẳng định, hiện có hàng nghìn lớp dạy nghề tư thục đang hoạt động, đảm trách trên 30% quy mô đào tạo nghề, song không được hưởng những quyền lợi như các cơ sở dạy nghề công lập. Vì vậy, cần phân luồng đồng bộ giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề, bao gồm cả giải pháp hành chính và kinh tế - xã hội. Với những nghề đòi hỏi kỹ năng phức tạp, có thể có nhiều cấp độ đào tạo cao hơn để tạo sức hấp dẫn, thu hút người học có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn.
Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, Tổng cục Dạy nghề sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Dạy nghề, bảo đảm việc thực hiện xây dựng dự án luật luôn bám sát vào đời sống thực tế. Các ý kiến đều thống nhất tạo sự liên thông và gắn kết giữa ba nhân tố: Trường đào tạo nghề - cơ sở sản xuất - trung tâm xúc tiến việc làm. Đặc biệt, khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề; cho phép các cơ sở đào tạo nghề trong chương trình xã hội hóa được quyền thu phí đào tạo đối với những nơi sử dụng lao động của họ...
Sau khi hoàn tất việc đào tạo nghề từ doanh nghiệp, việc làm cho học viên cũng được đảm bảo. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho xã hội, bởi khi doanh nghiệp tạo nguồn lao động cho chính họ thì sẽ không còn tình trạng thất nghiệp do việc đào tạo không đúng chuẩn, không theo nhu cầu xã hội.Ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội: Về lâu dài, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được chương trình đào tạo đáp ứng kỹ năng của từng ngành nghề khác nhau chứ không nên trông chờ vào Nhà nước xây dựng các chương trình đào tạo nghề. Các hiệp hội, ngành nghề hội đoàn cũng nên hướng đến việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm định và đánh giá chất lượng đào tạo.
Ngọc Loan