Bằng sự đầu tư thích đáng cho khâu thiết kế mẫu mã, nguyên liệu, tay nghề của đội ngũ lao động và tổ chức nghiên cứu xu hướng thị trường, một số doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ đã mở rộng được cánh cửa xuất khẩu vào EU - thị trường nổi tiếng khó tính.


Chia sẻ kinh nghiệm gần 10 năm sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU với giá trị bình quân 2 triệu USD/năm, Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, các yếu tố liên quan đến môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt thiết kế mẫu mã có vai trò rất lớn, chiếm tới 30-50% sự thành công của đơn hàng khi vào thị trường này. Vì vậy, chúng tôi luôn nghiên cứu, đưa ra bộ sưu tập mới hàng năm, thiết kế độc đáo, phối hợp nhiều loại nguyên, vật liệu trên cùng một sản phẩm và quan trọng là thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng...

Ông Phong cũng cho biết: Việc phát triển thiết kế sản phẩm mới của Đức Phong được tiếp cận từ nhiều kênh, như: Tham gia các hội chợ quốc tế, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm thiết kế chuyên nghiệp của Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam... nhằm tìm ra các mẫu thiết kế phù hợp với đặc điểm sản phẩm của doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Cũng coi thiết kế mẫu sản phẩm là yếu tố hàng đầu khi chinh phục thị trường EU, Bà Dương Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Thế giới sơn mài lưu ý: Cần phải kết hợp giữa ý tưởng độc đáo của nhà thiết kế với mong muốn về màu sắc, giá thành của người tiêu dùng. Thiết kế cần phải theo bộ sưu tập sản phẩm sẽ được nhân rộng hơn. Sản phẩm không chỉ nên đầu tư về màu sắc, chất lượng mà còn tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần phải định vị được giá trị sản phẩm nằm ở phân khúc nào để có mức giá thành tương ứng…

Có thể thấy, thiết kế mẫu sản phẩm là chìa khóa giúp doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ tiến sâu hơn vào thị trường EU. Bản thân EU cũng là thị trường truyền thống và quan trọng của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu của ngành vào thị trường này luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Đơn cử, ngay tháng đầu tiên của năm 2014, giá trị xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào một số thị trường trong khối tăng mạnh so với cùng kỳ như: Đức đạt 3,19 triệu USD, tăng 26,43%; Hà Lan đạt 868 nghìn USD, tăng 23,1%; Tây Ban Nha đạt 572 nghìn USD, tăng 24%; Thụy Điển 449 nghìn USD, tăng 30%...

Theo Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Thiết kế là vấn đề rất quan trọng với việc thúc đẩy xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhưng nhìn chung năng lực thiết kế của ngành còn hạn chế nên sự sáng tạo trong sản phẩm chưa rõ nét, chưa tạo được sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức các chương trình tư vấn giúp doanh nghiệp nắm được những nội dung cơ bản về xu hướng và cách thức phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, Cục đang phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức chương trình Thiết kế sáng tạo và tiếp cận thị trường hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất châu Âu. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu xu hướng thị trường và chiến lược xuất khẩu phù hợp sang thị trường EU trong năm 2014.

Ông Adam Thow, Giám đốc Thu mua và Bán lẻ, South Bank Center của Vương Quốc Anh cũng khuyến cáo: Để xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào thị trường Anh, các doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng dòng sản phẩm riêng, độc đáo, có thông tin truyền tải về sản phẩm. Mẫu mã, màu sắc sản phẩm cũng cần chú ý thay đổi theo mùa và theo các kỳ nghỉ lễ của người tiêu dùng trong năm…

 

Phạm Kim