Sản phẩm của nghề cưa lộng và chạm bút lửa rất phong phú và có tính mỹ thuật cao, thu hút được rất nhiều sự chú ý của du khách trong nước cũng như quốc tế và đã trở thành kỷ vật độc đáo rất được ưa chuộng của nhiều du khách. Những sản phẩm này đã được xuất đi các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ như: Hà Lan, Cộng hòa Séc, Úc, Mỹ, Đức… cho thấy các mặt hàng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra từ nghề cưa lộng và chạm bút lửa là những mặt hàng, những sản phẩm có khả năng đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của Đà Lạt. Đồng thời, nghề cưa lộng và chạm bút lửa còn có một vai trò quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt đối với Đà Lạt - Lâm Đồng, một trung tâm du lịch lớn trong cả nước cũng như khu vực, hàng năm có hơn vài triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Nguyên liệu chính để chế tác những tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng kỹ thuật cưa lộng và chạm bút lửa là gỗ bạch tùng. Các loại nguyên liệu khác như gỗ thông, tre, nứa cũng được sử dụng nhưng chất lượng sản phẩm không bằng gỗ bạch tùng. Tuy nhiên hiện nay, do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh về vốn đầu tư, thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thông tin thị trường và một phần do khan hiếm gỗ bạch tùng nên nghề chạm bút lửa gặp nhiều khó khăn, mất hẳn thị trường nước ngoài, các nghệ nhân lần lượt bỏ nghề, chỉ còn ít người bám trụ được nhưng chỉ sáng tác trong phạm vi gia đình hoặc theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ của một số khách nước ngoài.
Để khôi phục, phát triển đưa ngành nghề cưa lộng, chạm bút lửa phát triển bền vững hướng đến trở thành một trong những ngành nghề chủ lực sản xuất ra sản phẩm phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng và đồng thời tổ chức, khai thác, mở rộng thị trường cho sản phẩm đối với ngành nghề này, thì cần phải có sự quan tâm và tăng cường những giải pháp tích cực. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và tổ chức các làng nghề hoặc cụm sản xuất tại các nơi có điều kiện phát triển sản xuất ngành nghề cưa lộng và chạm bút lửa, nhất là ở nông thôn và vùng ven đô thị để tận dụng nguyên liệu và nguồn lao động tại chỗ; Có sự tài trợ, chính sách ưu đãi đối với các dự án phát triển nghề cưa lộng, chạm bút lửa, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng và phát triển. Đồng thời thường xuyên có những chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ để mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp đến nhà phân phối, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ hiệu quả cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, thiết kế sáng tác mẫu mã. Tài trợ cho các giải sáng tác sản phẩm để khuyến khích sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu thị trường để khẳng định và tăng cường khả năng cạnh tranh sản phẩm đối với thị trường trong và ngoài nước.
Hơn nữa, việc khôi phục và phát triển nghề cưa lộng, chạm bút lửa muốn có hiệu quả thì các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần chủ động liên kết xây dựng làng nghề hoặc cụm sản xuất để có thể hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chia sẻ các hợp đồng lớn, tận dụng và phát huy hết công năng cơ sở vật chất và năng suất của máy móc thiết bị tại các đơn vị, bổ sung lẫn nhau và ổn định việc làm cho lực lượng lao động. Thông qua đó giới thiệu, quảng bá về khả năng sản xuất, sự phong phú, đa dạng của các dòng sản phẩm từ đó thu hút sự quan tâm và lòng tin của người mua hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc kiểm tra chất lượng sản phẩm khi sản xuất, để đảm bảo tính đồng nhất và ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời khắc phục những sản phẩm có khuyết điểm, để hoàn thiện sản phẩm đảm bảo về tính thẩm mỹ, tính an toàn khi sử dụng, xây dựng lại niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm mỹ nghệ của mình; tăng cường công tác thu thập thông tin bằng nhiều hình thức để đảm bảo nắm bắt những nhu cầu, tập quán và phong tục của từng địa phương, cũng như các chính sách quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu của từng nước để sản xuất sản phẩm thích hợp từ đó có thể xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phạm Ngọc Trung