Trước sự đào thải gay gắt và áp lực lưu giữ, phát triển nghề cổ, người dân làng nghề truyền thống Nha Xá đã từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất, loại bỏ dần nếp sản xuất thủ công.

Ông Nguyễn Quang Thoại, Trưởng thôn Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) cho biết: Từ những năm 1993-1994, trước những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thị trường, nếp sản xuất thủ công, năng suất thấp, mẫu mã sản phẩm đơn điệu không còn phù hợp nữa. Để lưu giữ và phát triển nghề cổ truyền của ông cha để lại từ nhiều đời (từ năm 1280), người dân Nha Xá đã từng bước thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng phương thức sản xuất bán công nghiệp. Hiện nay, thôn Nha Xá có 255 hộ gia đình thì có tới 270 máy dệt, 80% số lao động trong làng làm nghề với thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm. Những năm gần đây, làng nghề cũng đã có sự phân công lao động tự nhiên mang tính chuyên môn hóa theo mặt hàng cũng như theo công đoạn sản xuất. Trong số 218 hộ gia đình làm nghề thì có 170 hộ chuyên dệt, 17 hộ làm công đoạn tẩy chuội, số hộ còn lại làm làm thuê cho các cơ sở trong làng.


Ông Thoại cũng cho biết, sản xuất theo phương phức bán công nghiệp không chỉ giúp các cơ sở sản xuất tăng gấp đôi năng suất mà chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được cải tiến rõ rệt. Sản phẩm lụa trơn, lụa hoa, xa tanh, đũi, lụa siêu dầy, siêu mỏng...là những sản phẩm “ruột” của Nha Xá và rất được ưa chuộng tại những thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...Hiện nay, trung bình mỗi năm Nha Xá sản xuất từ 1,2 -1,8 triệu m sản phẩm các loại, chiếm 50% tổng sản phẩm của cả xã.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, quy mô sản xuất của làng nghề cũng đang được mở rộng theo hướng công nghiệp, từng bước hiện đại hóa. Anh Trần Văn Hưng, một thợ dệt lâu năm và là chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Nhìn chung các cơ sở sản xuất trong thôn bây giờ không còn sử dụng khung gỗ dệt tay nữa, mà được thay thế bằng máy bán công nghiệp cải tiến hoặc máy công nghiệp được nhập từ Trung Quốc. Năm 2004, gia đình tôi có đầu tư 10 máy dệt với tổng kinh phí 200 triệu đồng và với 7 công nhân đứng máy, trung bình mỗi năm chúng tôi sản xuất được khoảng 1vạn m lụa/tháng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng nhanh về năng suất thì Nha Xá hiện nay đang thiếu nguyên liệu. Những vùng nguyên liệu truyền thống của làng nghề như: Ba Sao, Kim Bảng, Chuyên Ngoại, Văn Lý, Nam Định không còn đủ cung cấp nữa. Người dân Nha Xá đang phải nhập thêm tơ từ Trung Quốc, Đài Loan.


Do đặc trưng của nghề dệt là tạo ra nhiều tiếng ồn và bụi, thêm vào đó quá trình tẩy chuội sản phẩm cũng thải môi trường ra một số chất tẩy. Rất quan tâm đến vấn đề này, năm 2006 UBND huyện Duy Tiên, UBND xã Mộc Nam đã xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ cho nhân dân Nha Xá. Năm nay, Sở Công Thương Hà Nam cũng đã mời chuyên gia môi trường từ Úc về khảo sát môi trường làng nghề Nha Xá để xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường làng nghề.


Việt Nga