Những bàn tay vàng
Theo các cụ cao niên, nghề điêu khắc của làng không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng trong đình làng thờ ông tổ làng nghề cũng đã trên 500 năm. Thời Vua Minh Mạng đã từng mời hàng chục người thợ của làng nghề Dư Dụ vào kinh đô Huế góp phần xây dựng cung đình nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn. Cảm phục tài năng của những người thợ, Vua Minh Mạng đã ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn, bổng lộc ngay tại kinh đô Huế. Sau này những người thợ Dư Dụ đã ở lại Huế và lập thành làng Túc (tên làng trước đây của Dư Dụ).
Sản phẩm phổ biến nhất của làng Dư Dụ hiện nay vẫn là hình tượng ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc... Ở trong mỗi sản phẩm đều được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người, chú trọng đến từng họa tiết nhỏ nhất. Vì vậy, những tác phẩm điêu khắc được làm ra từ kỹ năng, đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Dư Dụ này đều đã đạt đến mức đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc.
Ông Nguyễn Duy Hội, người có hơn 40 năm trong nghề của làng cho biết, khó nhất là trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được.
Mỗi cơ sở sản xuất ở Dư Dụ đều có những mẫu điêu khắc rất đa dạng và phong phú. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường nhiều người nghĩ chỉ dùng làm củi đun, nhưng qua tay người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy trở nên có hồn và thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Làng nghề đã bao đời “cha truyền con nối” nên người dân ở đây từ đứa trẻ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, “đẽo”… để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tô điểm cho đời.
Vững vàng trước sóng gió thị trường
Cùng bắt nhịp với sự đổi mới khoa học công nghệ của đất nước, người dân, người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ cũng đã đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số khâu pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần túy. Các loại máy cưa, máy phun sơn, máy tiện và một số dụng cụ khác có thể hỗ trợ rất nhiều cho người thợ đầu tư vào nâng cao tay nghề tinh xảo. Nếu như trước đây sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ được làm chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm thì đến nay đã dần được thay thế bằng các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ. Nguyên liệu gỗ được người Dư Dụ nhập về chủ yếu từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái...
Hiện nay, làng Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc truyền thống, sản phẩm của làng có mặt trên thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á... Toàn thôn có 8 cơ sở sản xuất kinh doanh là chủ xưởng gia đình, thu hút lao động số lượng lớn của thôn cũng như ở các địa phương khác đến học và làm nghề tại cơ sở. Một số chủ xưởng sản xuất như anh Nguyễn Văn Tịnh, mới 40 tuổi đã có tuổi nghề là hơn 20 năm, hàng năm giải quyết cho 30 lao động thường xuyên tại xưởng và các hộ lao động khác làm vệ tinh. Cơ sở của anh Nguyễn Văn Song có 2 khu nhà xưởng phục vụ công việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm điêu khắc, giải quyết cho trên 40 lao động thường xuyên và các lao động khác làm tại nhà. Ngoài ra, các chủ xưởng ở Dư Dụ còn được biết đến như anh Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Công Hỗ, Nguyễn Văn Hùng...
Trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi phải thu hẹp sản xuất thì sản phẩm làng nghề Dư Dụ vẫn tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ở hầu hết các tỉnh đều có gian hàng của làng nghề Dư Dụ, nhiều nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn... vì đồ gỗ Dư Dụ được đánh giá là đẹp nhất cả nước.
Khánh Ngọc