Những sản phẩm mây tre đan thủ công đặc trưng ở Tăng Tiến chủ yếu phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản như đó, lờ, giậm, hom, giỏ, và nhiều sản phẩm phục vụ cuộc sống của người dân như rổ, rá, rế, mành... Ngoài ra, người dân còn du nhập thêm các nghề như chẻ tăm mành và sản xuất các mặt hàng mây tre có tính đặc trưng của làng nghề như: mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, mành tre cửa, ấm tích, bàn ghế... để xuất khẩu. Hiện cả xã có hàng chục cơ sở sản xuất, có cơ sở có đến trăm máy dệt mành tăm, bảo đảm việc làm cho lao động quanh năm, thu nhập bình quân hơn ba triệu đồng/người/tháng. Sự hấp dẫn của mô hình kết hợp làm nông nghiệp với làm nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến đã khiến nhiều người dân ở các xã lân cận như: Nội Hoàng, Tân Mỹ... đến đây học nghề để tăng thu nhập cho gia đình.
Gần đây, làng nghề Tăng Tiến bắt đầu có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Australia... Đời sống của người dân nơi đây khá cao nhờ nguồn thu nhập tương đối ổn định. Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến ngày nay còn trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp rất bình dị, thân thuộc. Việc mang lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định đã hút một lượng lớn lao động nông nghiệp. Giá trị kinh tế làng nghề mang lại tuy chưa lớn nhưng đã góp phần giải quyết một phần khó khăn trong lao động dôi dư của địa phương. Mặc dầu vậy, cái khó nhất để tạo cho làng nghề và sản phẩm làng nghề mây tre đan Tăng Tiến có một “chỗ đứng” ổn định vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc sản xuất vẫn theo hình thức tự phát, hàng bán chạy thì làm nhiều, bán ít thì nghỉ; sự đầu tư cho tái sản xuất quá thấp; chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho quảng bá sản phẩm; chưa tạo được nhiều sự hấp dẫn và kích thích sáng tạo, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm... đã phần nào hạn chế sự phát triển của làng nghề.
Khó khăn đáng kể nữa là dù là làng đan lát nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây cũng khá nan giải. Mới đây, trong một hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề truyền thống tại Bắc Giang là “đáng báo động“ và đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi cao. Tuy nhiên, do làng nghề có không gian hẹp, lại quá đông người sản xuất khiến hệ thống thoát nước quá tải. Hệ thống thoát nước cũ kỹ, hư hỏng không bảo đảm cho thoát hết lượng nước quá lớn. Các chất thải rắn hầu như chưa được thu gom và xử lý đúng cách. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, phần lớn người dân không có khái niệm về bảo vệ môi trường...
Nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của sản phẩm làng nghề, thời gian qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã có những động thái tích cực để đưa sản phẩm mây tre đan của làng nghề Tăng Tiến và các sản phẩm làng nghề khác vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sự phối hợp tốt hơn từ các ban ngành, địa phương liên quan trong việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chính sách phát triển làng nghề và tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sẽ là những động lực giúp cho làng nghề phát triển theo hướng bền vững.
Ngọc Chính