Anh Đề cho biết, trước đây, cơ sở của anh chủ yếu sản xuất hàng mây tre đan, thu nhập lúc thăng lúc trầm. Đến năm 1998, khi vào tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh thấy những cây lục bình thân dài 50 - 60cm, dùng để đan sản phẩm thủ công rất tốt. Anh Đề cùng một nhóm thợ đi cùng thuê người lấy bèo, cắt bỏ gốc và lá đem phơi khô rồi ép xẹp xuống, rồi đan thử một số sản phẩm và thật mừng đã thành công. Thế là anh quyết định thuê người lấy bèo phơi khô rồi đóng thành kiện mang về quê. Bây giờ, về Phú Túc, ngoài cơ sở Xuân Đề - Thảo Yến còn rất nhiều cơ sở khác có thợ làm tập trung với vài chục đến hàng trăm lao động.
Hiện nay trên địa bàn trong và ngoài huyện Phú Xuyên cũng có một số ao đầm thả loại bèo thân dài làm nguyên liệu. Bà con nuôi trồng bèo lục bình kết bè lại để chăm sóc. Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 – 90 cm. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, sau đó sẽ được xử lý mối mọt, rồi thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình.
Nghề đan sản phẩm từ bèo lục bình không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, lại thu hút được nhiều lao động. Cho đến nay, có nhiều hình thức đan sản phẩm lục bình. Đó là đan thảm lục bình, hay còn gọi là đĩa lục bình, và đan khung, hoặc đan kết hợp họa tiết với cói. Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản. Có ba kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na, kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau. Như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm; đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được, trong đó, kiểu đan rối rất được ưa chuộng. Tùy nhu cầu khách hàng mà người ta đan những sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu ở đây chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nên các cơ sở phải mua thêm bèo từ miền Nam ra. Những ai có dịp về Phú Túc đều cảm nhận thấy tràn ngập niềm vui trong cảnh xe vào ra tấp nập. Xe con đến ký hợp đồng; xe tải chở nguyên liệu và thành phẩm xuôi xuất ngoại.
Do nhu cầu của thị trường, nghề đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện. Các địa phương cũng tổ chức dạy nghề, đào tạo thợ tham gia làm hàng xuất khẩu. Tuy nhiên điều kiện sống còn đối với nghề là chủ cơ sở, doanh nghiệp phải luôn thay đổi mẫu mã, sáng tạo không ngừng để tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn khách hàng, nhất là thị trường quốc tế. Những người nông dân, thợ thủ công bây giờ đã được công nghệ thông tin hỗ trợ. Với chiếc máy tính nối mạng, tiếp cận với khách hàng, với thị trường nhanh chóng thuận lợi và việc thiết kế mẫu mã sản phẩm trên máy vi tính vừa nhanh vừa đẹp ngày càng đáp ứng sự phát triển của làng nghề. Từ đó, những nghệ nhân tạo ra các sản phẩm rất đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, giỏ, làn, rổ, hộp, chậu bông các loại và ghế salon v.v… Các mặt hàng này tương đối phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ , màu sắc, khách hàng có thể đặt mẫu theo ý thích để nhà sản xuất thực hiện. Trong nghệ thuật chế tác các sản phẩm lục bình, có một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan sản phẩm, giống như nhuộm cây cói trước khi dệt chiếu. Ngoài ra, để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, người ta thường sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, các loại dây, thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên các sản phẩm lục bình. Cách làm này đặc biệt được ưa chuộng trên thị trường ở nước ngoài. Sản phẩm từ bèo lục bình không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức và xuất sang Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Mặc dù kinh tế thế giới biến động, ảnh hưởng đến đầu ra, sức tiêu thụ của sản phẩm làng nghề. Thế nhưng, với sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, công tác quảng bá, thiết kế mẫu mã được coi trọng nên sản phẩm vẫn hấp dẫn các đối tác nước ngoài. Đặc biệt quan trọng là làng nghề Phú Túc luôn giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm nên đầu ra vẫn tiêu thụ tốt. Đây là sự phấn đấu vượt bậc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động.
Được biết, Phú Túc đang phấn đấu năm 2015, doanh thu tăng trưởng khoảng 11%-13%. Mục tiêu của Phú Túc là hướng tới mô hình kinh doanh du lịch - làng nghề truyền thống, tạo ra kênh rất quan trọng để quảng bá sản phẩm tại chỗ nhằm nâng cao giá trị làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong vùng. Trước yêu cầu của sản xuất ngay trong làng việc xử lý chất thải khó khăn, mặt bằng eo hẹp, Phú Túc đã lập quy hoạch mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung xa khu dân cư với diện tích 6 ha, đang được huyện Phú Xuyên thẩm định để phê duyệt. Đây là cơ hội mới tiếp sức tạo đà cho nghề mây tre giang đan của Phú Túc phát triển và tăng trưởng trong những năm tới.
Khánh Chi