Theo lời chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề đã từng có thời kỳ phát triển đỉnh cao, khi ấy cả làng “người người làm nghề, nhà nhà làm nghề” . Nhất là vào những năm 2000 – 2007, Phú Vinh lúc nào cũng nhộn nhịp như một đại công xưởng. Khi đó, hàng mây tre giang đan ùn ùn xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật...nên hầu hết các hộ gia đình trong làng đều làm nghề. Thu nhập của mỗi lao động đạt tới 100.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hàng mây tre đan xuất khẩu đã giảm rõ rệt. Nhưng theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, toàn xã hiện vẫn có hơn 80% số hộ làm nghề mây tre giang đan. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn khoảng 10 công ty TNHH đang hoạt động thu mua, xuất khẩu hàng mây tre đan. Mặc dù sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng nghề mây tre đan vẫn đều đặn mang lại thu nhập thường xuyên và góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Hiện giá công lao động trung bình từ 60.000 – 70.000 đồng/người/ngày vì vậy vẫn giữ chân được lao động làng nghề.Dù không còn sôi nổi như thời kỳ đỉnh cao nhưng hoạt động sản xuất của làng nghề mây tre đan Phú Vinh hiện đang tập trung chuyển hướng có chiều sâu với nhiều bước đột phá trong cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết, trước đây sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ của làng nghề chủ yếu dùng làm đồ trang trí, lưu niệm. Thế nhưng đến nay, người dân làng nghề đã nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao tính ứng dụng cho sản phẩm.
Trong đó, hàng loạt các sản phẩm như đèn ngủ, đèn chùm, lọ hoa, bàn ghế, khay đựng hoa quả, khung tranh, khung ảnh... đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận tích cực. Mặc dù kỹ thuật làm nghề đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với xu thế của thị trường nhưng kỹ thuật xử lý nguyên liệu của làng nghề Phú Vinh theo cách truyền thống vẫn được gìn giữ và đề cao nhằm tăng tính độc đáo cho sản phẩm. Đó là sử dụng kỹ thuật luộc chín nan tre, mây, giang để làm giảm lượng đường glucozo hay lên màu tự nhiên cho nan bằng cách ngâm dưới bùn đen tạo màu đen, chế các loại lá cây tạo màu xanh, hun khói rơm để tạo màu nâu óng ả...
Chính vì giữ được nét văn hóa hồn hậu của làng quê Việt nên sản phẩm mây tre giang đan Phú Vinh được rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đến đặt mua để làm quà tặng, nhất là quà ngoại giao.Trao đổi về triển vọng của làng nghề, đại diện cán bộ phụ trách ngành nghề xã Phú Nghĩa vẫn rất lạc quan và không lo ngại nghề mây tre đan sẽ bị mai một đi bởi mặt hàng thủ công mỹ nghệ này vẫn được nhiều thị trường ưa chuộng và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, vị đại diện này cho biết hiện nay UBND xã Phú Nghĩa đang tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tìm cách thu hút khách du lịch đến với làng nghề.
TT