Một thông tin vui đến với những người hoạt động nghề thủ công mỹ nghệ là theo Nghị định số 123/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/2/2015 lần đầu tiên những nghệ nhân làng nghề được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Hàng trăm nghệ nhân trên cả nước cho rằng đó là một sự khích lệ để họ phát huy hết tiềm năng.


Trong điều kiện chính sách cho làng nghề còn nhiều bất cập thì Nghị định 123/NĐ-CP được đánh giá là một giải pháp hay nhằm bảo tồn nhiều giá trị sống cho hơn 3.000 làng nghề VN.


Gần 40 năm gắn bó với làng nghề đan lưới, ông Phan Minh ngụ ở Phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết, ông rất bất ngờ và phấn khởi khi nghe được thông tin có quy định xét danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ: “Thật là tuyệt vời, nếu được như vậy. Được Đảng, Nhà nước quan tâm đến làng nghề. Mình cũng mong muốn được cái gì đó để kỷ niệm để con cháu sau này thấy nghề này phát triển được”.  Theo ông Minh, nó sẽ là nguồn động viên rất lớn cho các nghệ nhân – những người có tâm huyết gìn giữ và phát huy giá trị của các nghề truyền thống.


Nghề đan lưới Tân Hưng là một trong những làng nghề thủ công nổi tiếng và có quy mô lớn của thành phố Cần Thơ với hơn 350 hộ tham gia. Phần lớn bà con làm theo hình thức cha truyền con nối. Với bà con danh hiệu cao quý nói trên có ý nghĩa rất lớn.


Theo Ông Nguyễn Xuân Hòa Giám đốc Trung tâm khuyến công TP. Cần Thơ thì ngoài ý nghĩa tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp thì Quyết định này còn là động lực để các nghệ nhân này tiếp tục cống hiến và nhân rộng mô hình làng nghề.


Song, cái vướng hiện nay là có một số tiêu chí khó thực hiện. Cụ thể, theo quy định để được công nhận nghệ nhân nhân dân, đòi hỏi các nghệ nhân phải nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên và từ 100 cá nhân trở lên đối với nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, do nhiều làng nghề được hình thành và phát triển rất lâu, nhưng với cách làm truyền thống, nhỏ lẻ,… nên khó công nhận, đặc biệt là về quy mô đào tạo truyền nghề. Để tháo gỡ khó khăn này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là trong công tác khuyến công ở địa phương.


Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hậu Giang cho biết: Năm 2015 chúng tôi sẽ quyết tâm đẩy mạnh khâu đào tạo nghề ở các làng nghề để đáp ứng tiêu chí. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát tháo gỡ khó khăn cho các nghệ nhân và lập hồ sơ các nghệ nhân để trình lên Ủy ban tỉnh.


Còn theo Ông Nguyễn Đại Nhã - Phó Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn TP. Cần Thơ: Trong quá trình xét sẽ còn nhiều khó khăn, Chi Cục sẽ phối hợp với các cơ quan ban, ngành để sớm xét và công nhận được các nghệ nhân trong tương lai.


Bên cạnh đó, quy định nghệ nhân phải có sản phẩm đạt giải thưởng cao ở các cuộc thi, hội chợ lớn cũng gặp không ít khó khăn. Lý do, hiện việc giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của các nghệ nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức.


Ông Phạm Lạc Tiên - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết: Địa phương cũng đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm, nhiều hơn việc tạo điều kiện để cho các làng nghề giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ để sản phẩm được nhiều người biết đến, có giá trị cao hơn.


Không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương mà việc hình thành những làng nghề này còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Thực tế, xuất phát từ đời sống và lao động của mình bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên hàng trăm làng nghề lớn nhỏ khác nhau. Mỗi làng nghề mang đến giá trị kinh tế cũng như nét văn hóa độc đáo đặc biệt. Điều đáng quan tâm là việc duy trì và phát triển những làng nghề nói trên đang gặp không ít khó khăn. Nhiều làng nghề đang có nguy cơ mai một, do thiếu người truyền đạt và tiếp nối nghề theo hướng đào tạo có quy mô. Vì vậy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sớm tôn vinh nghệ nhân – những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các làng nghề bằng những danh hiệu cao quý là việc cần làm hiện nay.


CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)