Đến nay, Lào Cai đã phát hiện được 150 mỏ và điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước và khu vực như: Mỏ apatit Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sinh Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn... Đây là tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản.
Công nghiệp đột phá
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2015 ước đạt 6.527,4 tỷ đồng, gấp 3,0 lần năm 2010 (2.169 tỷ đồng), tăng 25,5% so với mục tiêu Đề án phát triển công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015; tăng 28% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 24,7%/năm.
Tiềm năng về thủy điện của Lào Cai được khai thác hiệu quả với 32 nhà máy thủy điện, tổng công suất 528,1MW đã hoàn thành phát điện hòa lưới điện quốc gia. Mạng lưới điện sinh hoạt đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 87,7% số thôn, bản và 90,1% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Lào Cai hiện có 3 khu, cụm công nghiệp trọng điểm (Đông Phố Mới, Tằng Loỏng và Bắc Duyên Hải), đã thu hút được 137 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt trên 20.000 tỷ đồng (trong đó có 94 dự án đã hoạt động, 21 dự án đang triển khai xây dựng).
Đặc biệt, Lào Cai đã thu hút được sự tham gia đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn trong nước và nguồn vốn FDI như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Khai thác quặng Apatit; Nhà máy DAP số 2); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Nhà máy Luyện đồng); Tổng Công ty Thép Việt Nam (Nhà máy Gang thép Lào Cai); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Nhà máy thủy điện Séo Chong Hô) và Tổng Công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang (Tổ hợp sản xuất phân bón, hóa chất Đức Giang).
Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) được quan tâm phát triển, đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân như các sản phẩm chế biến nông lâm sản, may mặc, cơ khí nhỏ, vật liệu xây dựng... Một số sản phẩm TTCN đặc thù của Lào Cai đã và đang trở thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng cả nước và từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu như hàng thêu, dệt may thổ cẩm, chè, rượu đặc sản... Đến nay trên địa bàn Tỉnh có trên 7.200 cơ sở sản xuất TTCN (120 doanh nghiệp, 98 HTX và 7.000 hộ cá thể) với các ngành nghề chính như: Chế biến chè, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến rượu bia, nước giải khát, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, sửa chữa máy móc nông cụ, sửa chữa điện tử, đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ, sản xuất khai thác vật liệu xây dựng và dệt may.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lào Cai đã đưa thêm 14 công trình công nghiệp trọng điểm vào vận hành khai thác, điển hình như: Nhà máy Phốt pho vàng 5, công suất 18.000 tấn/năm; Nhà máy Gang thép Lào Cai, công suất giai đoạn 1 là 500.000 tấn/năm; Nhà máy thủy điện Ngòi Phát, công suất 72 MW; Tổ hợp sản xuất phân bón, hóa chất của Tổng Công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang gồm các Dự án: Sản xuất Phân lân giàu (TSP) và phụ gia thức ăn chăn nuôi (DCP), công suất 100.000 tấn TSP/năm và 50.000 tấn DCP/năm; Sản xuất Axitphoric trich ly, công suất 100.000 tấn/năm); Nhà máy DAP số 2, công suất 330.000 tấn/năm.
Thương mại nội địa phát triển mạnh mẽ
Hoạt động thương mại và thị trường trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ; cấu trúc thị trường hàng hoá được mở rộng cả ở thành thị và nông thôn; các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt là kinh tế tư nhân và cá thể với nhiều hình thức và quy mô khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư phát triển, cùng với sự phát triển của các loại hình kinh doanh truyền thống, đã xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn trên địa bàn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước đạt 14.700 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010 (5.626 tỷ đồng), tăng 15,3% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 21,4%/năm.
Lào Cai hiện có các khu kinh tế: Khu kinh tế cửa khẩu, Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, có 13 siêu thị, 01 Trung tâm Thương mại tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai đạt tiêu chuẩn Hạng II; 81 chợ (tăng 10 chợ so với năm 2010) gồm 28 chợ thành thị và 53 chợ nông thôn. Giai đoạn 2011-2014 có 22 chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới với tổng vốn đầu tư là 421 tỷ đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu trở thành động lực
Hoạt động ngoại thương của tỉnh phát triển khá mạnh, trở thành động lực thúc đẩy nội thương và các ngành kinh tế khác phát triển, làm sôi động thị trường khu vực cửa khẩu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu năm 2015 dự kiến đạt 2.500 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2010 (822 triệu USD), tăng 40,4% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 30,3%/năm. Hàng năm có khoảng 500-600 doanh nghiệp thường xuyên tham gia hoạt động XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế của địa phương như: Sản phẩm công nghiệp chế biến (đồng kim loại, phốt pho vàng, supe lân, chì, kẽm, phôi thép, thép, phân lân nung chảy, phân DAP, phụ gia thức ăn gia súc DCP); nông lâm sản (sắn, chè, dứa, thảo quả, gỗ rừng trồng, hàng thủ công mỹ nghệ).
Cục CNĐP (ARID)